Các bước thực hiện IVF
Các bước để thực hiện IVF bao gồm: kích thích buồng trứng, thu hoạch trứng, thu nhận tinh trùng, thụ tinh trong ống nghiệm và chuyển phôi. Quá trình IVF có thể mất khoảng hai đến ba tuần hoặc lâu hơn.
Kích thích buồng trứng
Kích thích buồng trứng là bước không thể thiếu trong quy trình thụ tinh nhân tạo. Thông thường, cần lấy nhiều hơn một trứng để tăng cơ hội thụ tinh thành công. Các hormone tổng hợp được sử dụng để kích thích nhiều nang trứng phát triển.
Một số loại thuốc thường được sử dụng như:
- Thuốc kích thích buồng trứng. Để kích thích buồng trứng, có thể dùng hormone kích thích nang trứng (FSH), hormone tạo hoàng thể (LH) hoặc kết hợp cả hai. Những loại thuốc này kích thích nhiều trứng phát triển cùng một lúc.
- Thuốc kích thích tế bào trứng trưởng thành. Hormone hCG (Human Chorionic Gonadotropin) là hormone giúp trứng trưởng thành.
- Thuốc ngăn rụng trứng sớm. Những loại thuốc này ngăn cơ thể giải phóng trứng đang phát triển quá sớm.
Thông thường, cần một đến hai tuần kích thích buồng trứng trước khi thu nhận trứng. Để xác định thời điểm trứng đã sẵn sàng thu nhận, bác sĩ có thể sẽ thực hiện:
- Siêu âm âm đạo, kiểm tra buồng trứng để theo dõi sự phát triển của các nang trứng.
- Xét nghiệm máu, đo phản ứng của cơ thể với các loại thuốc kích thích buồng trứng – nồng độ estrogen thường tăng lên khi các nang trứng phát triển và nồng độ progesterone vẫn ở mức thấp cho đến sau khi rụng trứng.
Đôi khi không thể lấy trứng vì một trong những lý do sau:
- Không đủ số lượng nang trứng phát triển
- Trứng rụng sớm
- Quá nhiều nang trứng phát triển, gây nguy cơ mắc hội chứng quá kích buồng trứng
- Các vấn đề sức khỏe khác
Thu hoạch trứng
Quá trình thu hoạch trứng có thể thực hiện tại phòng khám hoặc bệnh viện.
- Trong quá trình lấy trứng, bác sĩ sẽ tiêm thuốc an thần và giảm đau.
- Trứng được chọc hút qua ngã âm đạo. Một thiết bị đầu dò được đưa vào âm đạo để xác định vị trí các nang trứng. Sau đó, một cây kim mỏng đi qua âm đạo vào các nang để lấy trứng.
- Trứng được lấy ra khỏi nang thông qua một cây kim nối với dụng cụ hút. Nhiều trứng được lấy trong khoảng 20 phút.
- Sau quá trình chọc hút trứng, người phụ nữ có thể bị chuột rút và cảm giác đầy bụng hoặc căng tức.
- Trứng trưởng thành được nuôi trong môi trường nuôi cấy. Sau đó, trứng khỏe mạnh và trưởng thành sẽ được trộn với tinh trùng để tạo phôi. Tuy nhiên, không phải tất cả trứng đều có thể thụ tinh thành công.

Nguồn: Mayo Foundation for Medical Education and Research (MFMER)
Thu nhận tinh trùng
Người chồng sẽ cung cấp mẫu tinh dịch tại phòng khám bằng cách thủ dâm vào buổi sáng ngày lấy trứng. Các phương pháp khác có thể được thực hiện như chọc hút tinh hoàn, phương pháp sử dụng kim hoặc phẫu thuật để lấy tinh trùng trực tiếp từ tinh hoàn. Sau đó, tinh trùng được tách khỏi dịch tinh dịch trong phòng thí nghiệm.
Thụ tinh
Có thể thụ tinh bằng hai phương pháp phổ biến:
- Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Trong quá trình thụ tinh thông thường, tinh trùng khỏe mạnh và trứng trưởng thành được trộn lẫn và ủ qua đêm.
- Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI). Một tinh trùng khỏe mạnh duy nhất được tiêm trực tiếp vào mỗi trứng trưởng thành. ICSI thường được sử dụng khi chất lượng hoặc số lượng tinh dịch có vấn đề hoặc các lần thực hiện IVF trước đó không thành công.

Nguồn: Mayo Foundation for Medical Education and Research (MFMER)
Trong một số tình huống nhất định, bác sĩ có thể đề nghị các thủ tục khác trước khi chuyển phôi.
- Hỗ trợ làm tổ. Khoảng 5 đến 6 ngày sau khi thụ tinh, phôi thai chui ra từ lớp màng bao quanh của nó (gọi là màng trong suốt hay zona pellucida), cho phép phôi làm tổ vào niêm mạc tử cung. Nếu là phụ nữ lớn tuổi hoặc đã nhiều lần thụ tinh ống nghiệm thất bại, bác sĩ có thể hỗ trợ phôi làm tổ bằng kỹ thuật tạo một lỗ trên lớp màng trong suốt trước khi chuyển phôi. Hỗ trợ nở cũng cần thiết đối với trứng hoặc phôi đã được đông lạnh trước đó vì quá trình đông lạnh có thể làm cứng lớp màng trong suốt.
- Sàng lọc phôi PGS/PGD. Đây là xét nghiệm để xác định những bất thường về mặt di truyền ở các phôi. Phôi được nuôi trong tủ ấm đến một giai đoạn nhất định sẽ được sinh thiết để kiểm ra, thường là sau 5 đến 6 ngày. Những phôi không có bất thường nhiễm sắc thể sẽ được chuyển vào tử cung của người phụ nữ.
Chuyển phôi
Quá trình chuyển phôi được thực hiện tại phòng khám hay bệnh viện sau khi lấy trứng từ hai đến năm ngày.
- Người phụ nữ chuẩn bị chuyển phôi có thể được hỗ trợ một loại thuốc an thần nhẹ. Chuyển phôi thường không đau, nhưng có thể bị chuột rút nhẹ.
- Bác sĩ sẽ đưa một ống dài, mỏng và mềm thông vào âm đạo, qua cổ tử cung vào tử cung.
- Một ống tiêm chứa một hoặc nhiều phôi trong chất lỏng được gắn vào phần cuối của ống thông.
- Sử dụng ống tiêm, chuyển các phôi vào tử cung của người phụ nữ.
Nếu thành công, phôi thai sẽ làm tổ trong niêm mạc tử cung khoảng 6 đến 10 ngày sau khi lấy trứng.
Sau khi thực hiện IVF
Sau khi chuyển phôi, người phụ nữ có thể sinh hoạt lại bình thường. Tuy nhiên, nên tránh các hoạt động mạnh có thể gây ảnh hưởng đến phôi thai.
Các tác dụng phụ sau khi chuyển phôi có thể bao gồm:
- Chảy máu nhẹ ngay sau khi chuyển phôi, do việc ngoáy cổ tử cung trước khi chuyển phôi
- Căng ngực do nồng độ estrogen cao
- Đầy hơi nhẹ
- Chuột rút nhẹ
- Táo bón
Nếu cảm thấy đau vừa hoặc đau dữ dội sau khi chuyển phôi, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để kiểm tra các biến chứng như nhiễm trùng, xoắn buồng trứng và hội chứng quá kích buồng trứng nghiêm trọng.
Kết quả
Khoảng 12 ngày đến hai tuần sau khi lấy trứng, bác sĩ sẽ xét nghiệm mẫu máu để kiểm tra xem người phụ nữ có mang thai hay không.
- Nếu mang thai, thai phụ sẽ tiếp tục khám thai và chăm sóc thai như những thai phụ khác.
- Nếu không mang thai, người phụ nữ sẽ ngừng dùng progesterone và có thể có kinh trong vòng một tuần. Nếu không có kinh hoặc chảy máu bất thường, hãy liên hệ với bác sĩ.
Cơ hội sinh con khỏe mạnh sau khi thực hiện IVF phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:
- Tuổi người mẹ. Mẹ càng trẻ càng có nhiều khả năng mang thai và sinh con khỏe mạnh bằng cách sử dụng trứng của mình. Phụ nữ từ 41 tuổi trở lên thường được khuyên nên cân nhắc sử dụng trứng của người hiến tặng để tăng cơ hội thành công.
- Trạng thái phôi. Phôi phát triển có tỷ lệ mang thai cao hơn so với phôi kém phát triển, không phải tất cả các phôi được nuôi đều phát triển.
- Tiền sử sinh sản. Những phụ nữ đã từng sinh con có nhiều khả năng mang thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm hơn những phụ nữ chưa từng sinh con. Tỷ lệ thành công thấp hơn đối với những phụ nữ trước đây đã sử dụng IVF nhiều lần nhưng không có thai.
- Nguyên nhân vô sinh. Những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung nặng ít có khả năng mang thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm hơn là những phụ nữ bị vô sinh không rõ nguyên nhân.
- Các yếu tố về lối sống. Phụ nữ hút thuốc thường có ít trứng hơn và có thể sẩy thai thường xuyên hơn. Hút thuốc có thể làm giảm 50% cơ hội thành công của phụ nữ khi sử dụng IVF. Béo phì có thể làm giảm cơ hội mang thai và sinh con. Sử dụng rượu, thuốc kích thích, quá nhiều caffeine và một số loại thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai.
References
- National Health Service. IVF. Retrieved June 4, 2021 from https://www.nhs.uk/conditions/ivf/what-happens/
- U.S. National Library of Medicine. In vitro fertilization (IVF). Retrieved June 4, 2021 from https://medlineplus.gov/ency/article/007279.htm
- Planned Parenthood. What is IVF? Retrieved June 4, 2021 from https://www.plannedparenthood.org/learn/pregnancy/fertility-treatments/what-ivf
- Penn Medicine. A Step-By-Step Look at the IVF Process. Retrieved June 4, 2021 from https://www.pennmedicine.org/updates/blogs/fertility-blog/2020/april/how-does-the-ivf-process-work
- Human Fertilisation & Embryology Authority. In vitro fertilisation (IVF). Retrieved June 4, 2021 from https://www.hfea.gov.uk/treatments/explore-all-treatments/in-vitro-fertilisation-ivf/
- Cleveland Clinic. IVF Procedures. Retrieved June 4, 2021 from https://my.clevelandclinic.org/departments/fertility/lab/ivf-procedures
- Piedmont Healthcare. 5 steps of the in vitro fertilization (IVF) process. Retrieved June 4, 2021 from https://www.piedmont.org/living-better/5-steps-of-the-in-vitro-fertilization-(ivf)-process
- American Pregnancy Associtation. IVF – In Vitro Fertilization. Retrieved June 4, 2021 from https://americanpregnancy.org/getting-pregnant/infertility/in-vitro-fertilization-70966/
- Mayo Foundation for Medical Education and Research (MFMER). In vitro fertilization (IVF). Retrieved June 4, 2021 from https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/in-vitro-fertilization/about/pac-20384716