Khi nào nên làm thụ tinh nhân tạo IVF?
IVF là gì?
IVF (In vitro fertilization) còn được gọi là thụ tinh trong ống nghiệm hay thụ tinh nhân tạo, là phương pháp hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng bị hiếm muộn thời gian dài hoặc để ngăn ngừa các bệnh di truyền phổ biến như Thalassemia.
Thông thường, trứng và tinh trùng được thụ tinh bên trong cơ thể người phụ nữ. Nếu trứng đã thụ tinh bám vào niêm mạc tử cung và tiếp tục phát triển, khoảng 9 tháng sau sẽ có một em bé chào đời. Quá trình này được gọi là thụ thai tự nhiên hoặc sinh sản không được hỗ trợ.
Trong quá trình thụ tinh ống nghiệm, trứng trưởng thành được lấy từ buồng trứng của người phụ nữ, sau đó thụ tinh trong phòng thí nghiệm. Tiếp theo, trứng đã thụ tinh (gọi là phôi) được chuyển đến tử cung của người phụ nữ. Một chu trình IVF đầy đủ mất khoảng ba tuần, đôi khi các bước thực hiện được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau nên thời gian có thể lâu hơn.
IVF là phương pháp hỗ trợ sinh sản hiệu quả nhất hiện nay áp dụng được cho nhiều trường hợp vô sinh, có thể thực hiện bằng trứng và tinh trùng của chính cặp vợ chồng hiếm muộn, hoặc lấy trứng, tinh trùng, phôi từ người hiến tặng ẩn danh hoặc người thân, bạn bè.
Tỉ lệ thành công của phương pháp thụ tinh ống nghiệm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác và nguyên nhân vô sinh. Ngoài ra, chi phí thụ tinh ống nghiệm tương đối cao, tốn nhiều thời gian và xâm lấn.

Nguồn: Mayo Clinic
Chi phí thụ tinh ống nghiệm
IVF là phương pháp có nhiều ưu điểm, tỉ lệ thành công cao là cứu cánh cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, tuy nhiên chi phí làm thụ tinh ống nghiệm có thể là trở ngại đầu tiên. Hiện nay chi phí thụ tinh nhân tạo khoảng 50-100 triệu/lần tại các bệnh viện chuyên khoa sản như Bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương, Sản Trung Ương,… Bên cạnh đó, số tiền bỏ ra có thể tăng thêm nếu thụ tinh không thành công.
Do đó, cặp vợ chồng nếu có dự định làm IVF cần chuẩn bị nền tảng tài chính thật tốt để có thể trang trải các chi phí làm thủ thuật và phát sinh nếu có. Ngoài ra, nếu có nhiều hơn một phôi được chuyển đến tử cung, người mẹ sẽ có nguy cơ mang đa thai, sinh nhiều con.
Đối tượng cần làm IVF
IVF là phương pháp điều trị vô sinh hoặc các vấn đề di truyền. Nếu hiếm muộn, cặp vợ chồng có thể thử các phương pháp ít xâm lấn hơn trước khi thực hiện IVF, như các loại thuốc hỗ trợ sinh sản để kích thích rụng trứng hoặc thụ tinh trong tử cung IUI (tinh trùng được bơm trực tiếp vào tử cung gần thời điểm rụng trứng).
Đôi khi, IVF được sử dụng như phương pháp điều trị vô sinh chủ yếu cho phụ nữ trên 40 tuổi. IVF cũng có thể được thực hiện nếu vợ hay chồng có các vấn đề về sức khỏe hoặc chức năng sinh sản như sau:
- Ống dẫn trứng bị tổn thương hoặc tắc nghẽn khiến cho trứng khó thụ tinh hoặc phôi không thể đi đến tử cung.
- Rối loạn rụng trứng làm trứng rụng không thường xuyên hoặc không có, dẫn đến giảm khả năng thụ tinh.
- Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi các mô tử cung làm tổ và phát triển bên ngoài tử cung, thường ảnh hưởng đến chức năng của buồng trứng, tử cung và ống dẫn trứng.
- U xơ tử cung là khối u lành tính ở thành tử cung, thường gặp ở phụ nữ 30-40 tuổi. U xơ có thể cản trở quá trình làm tổ của trứng đã thụ tinh.
- Triệt sản vĩnh viễn bằng cách cắt hoặc thắt ống dẫn trứng, IVF có thể là một giải pháp thay thế cho việc đảo ngược thắt ống dẫn trứng.
- Suy giảm số lượng hoặc chức năng của tinh trùng làm nồng độ tinh trùng dưới mức trung bình, tinh trùng di chuyển yếu (di động kém) hoặc bất thường về kích thước và hình dạng có thể khiến tinh trùng khó thụ tinh với trứng. Nếu phát hiện thấy những biểu hiện vô sinh nam, người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.
- Vô sinh không rõ nguyên nhân khi không thể xác định căn nguyên gây vô sinh mặc dù đã xem xét các nguyên nhân phổ biến.
- Bệnh di truyền như Thalassemia khi vợ chồng cùng mang đột biến gen thể ẩn (dị hợp), con sinh ra có nguy cơ cao bị bệnh nặng do thừa hưởng di truyền gen lặn từ cả cha mẹ. Bác sĩ còn có thể chỉ định làm thụ tinh nhân tạo sinh con trai hoặc gái để sàng lọc các bệnh di truyền liên kết với nhiễm sắc thể giới tính như bệnh máu khó đông. Nếu trong gia đình có tiền sử bệnh di truyền, thụ tinh IVF chọn phôi khỏe mạnh là giải pháp khả dĩ nhất, mặc dù không phải bệnh nào cũng có thể sàng lọc.
- Bảo tồn khả năng sinh sản cho bệnh ung thư hoặc bệnh khác trước khi bắt đầu điều trị bằng xạ trị hoặc hóa trị, IVF là giải pháp để bảo tồn chức năng sinh sản. Trứng chưa thụ tinh hoặc đã thụ tinh thành phôi có thể được cấp đông để dành sử dụng trong tương lai.
Những phụ nữ có tử cung bất thường hoặc có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khi mang thai có thể chọn IVF và nhờ người khác mang thai. Trong trường hợp này, trứng của người phụ nữ được thụ tinh với tinh trùng, nhưng phôi tạo thành sẽ được đặt vào tử cung của người mang thai.
Các rủi ro khi làm IVF
IVF có một số rủi ro như sau:
- Mang đa thai. Để tăng tỉ lệ đậu thai, thông thường người ta sẽ chuyển từ 2 phôi trở lên vào tử cung. Mang đa thai làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh con nhẹ cân hơn so với mang đơn thai.
- Đẻ non và nhẹ cân. Thụ tinh ống nghiệm làm tăng nhẹ nguy cơ trẻ chào đời sớm hoặc thiếu cân.
- Hội chứng quá kích buồng trứng. Sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản dạng tiêm như HCG để kích thích rụng trứng có thể gây ra hội chứng quá kích buồng trứng, khi đó buồng trứng bị sưng và đau. Các triệu chứng thường kéo dài một tuần bao gồm đau bụng nhẹ, chướng bụng, nôn mửa và tiêu chảy. Tuy nhiên, nếu có thai các triệu chứng có thể kéo dài vài tuần. Hiếm khi có thể phát triển một dạng hội chứng quá kích buồng trứng nghiêm trọng hơn, cũng gây tăng cân nhanh chóng và khó thở.
- Sẩy thai. Tỉ lệ sẩy thai đối với phụ nữ thụ thai bằng IVF với phôi tươi tương tự như phụ nữ thụ thai tự nhiên vào khoảng 15-25%, nhưng tỉ lệ này tăng lên theo tuổi mẹ.
- Các biến chứng của thủ thuật lấy trứng. Sử dụng kim chọc hút để lấy trứng có thể gây chảy máu, nhiễm trùng hoặc tổn thương ruột, bàng quang hoặc mạch máu. Ngoài ra, còn có rủi ro liên quan đến thuốc an thần và gây mê toàn thân.
- Có thai ngoài tử cung. Khoảng 2-5% phụ nữ làm IVF sẽ mang thai ngoài tử cung, khi trứng đã thụ tinh làm tổ bên ngoài tử cung, thường là trong ống dẫn trứng. Trứng đã thụ tinh không thể tồn tại bên ngoài tử cung và không có cách nào để tiếp tục mang thai.
- Dị tật bẩm sinh. Tuổi của người mẹ là yếu tố nguy cơ chính gây ra dị tật bẩm sinh do bất thường nhiễm sắc như hội chứng Down, bất kể thụ thai nhân tạo hay tự nhiên.
- Ung thư. Mặc dù một số nghiên cứu ban đầu cho thấy có thể có mối liên hệ giữa một số loại thuốc được sử dụng để kích thích sự phát triển của trứng và sự phát triển của một loại khối u buồng trứng, các nghiên cứu gần đây hơn không ủng hộ những phát hiện này. Dường như không có nguy cơ tăng đáng kể ung thư vú, nội mạc tử cung, cổ tử cung hoặc buồng trứng sau khi thụ tinh ống nghiệm.
- Stress. IVF có thể gây tổn hại nặng nề về mặt tài chính, thể chất và cảm xúc. Sự hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn, gia đình và bạn bè có thể giúp cặp vợ chồng vượt qua những thăng trầm của quá trình điều trị vô sinh.
References
- U.S National Library of Medicine. In vitro fertilization (IVF). Retrieved February 27, 2021 from https://medlineplus.gov/ency/article/007279.htm
- NICHD Information Resource Center. Assisted Reproductive Technology (ART). Retrieved February 27, 2021 from https://www.nichd.nih.gov/health/topics/infertility/conditioninfo/treatments/art
- American Society for Reproductive Medicine. Assisted Reproductive Technology. Retrieved February 27, 2021 from https://www.asrm.org/topics/topics-index/assisted-reproductive-technologies/
- Mayo clinic. In vitro fertilization (IVF). Retrieved February 27, 2021 from https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/in-vitro-fertilization/about/pac-20384716
- Centers for Disease control and Prevention. Preparing for ART Retrieved February 27, 2021 from https://www.cdc.gov/art/patientResources/preparing.html