Buồng trứng đa nang
Buồng trứng đa nang là gì?
Hội chứng buồng trứng đa nang (hay PCOS – Polycystic ovary syndrome) là một rối loạn nội tiết tố thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Hầu hết phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang sản xuất dư thừa hormone sinh dục nam (androgen), gọi là hyperandrogenism.
Thông thường, các nang buồng trứng chứa các tế bào trứng được giải phóng trong quá trình rụng trứng. Trong hội chứng buồng trứng đa nang, lượng hormone bất thường ngăn cản các nang trứng phát triển và trưởng thành để giải phóng các tế bào trứng. Thay vào đó, những nang trứng chưa trưởng thành này tích tụ trong buồng trứng. Phụ nữ có buồng trứng đa nang có thể có từ 12 nang trứng trở lên. Số lượng các nang này thường giảm dần theo độ tuổi.
Khoảng một nửa số phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang bị thừa cân hoặc béo phì và nguy cơ cao gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, nhiều phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang có lượng insulin tăng cao, một loại hormone giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Ở tuổi 40, khoảng 10% phụ nữ thừa cân mắc hội chứng buồng trứng đa nang có lượng đường trong máu cao bất thường (tiểu đường tuýp 2) và tới 35% phát triển tiền tiểu đường (lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường nhưng chưa đạt đến ngưỡng giới hạn của bệnh tiểu đường). Người mắc bệnh béo phì và có nồng độ insulin trong máu tăng càng làm tăng sản xuất nội tiết tố androgen trong hội chứng buồng trứng đa nang.
Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang cũng có nhiều nguy cơ phát triển hội chứng chuyển hóa, là một nhóm các bệnh bao gồm huyết áp cao (tăng huyết áp), tăng mỡ bụng, hàm lượng chất béo không lành mạnh cao và hàm lượng chất béo lành mạnh trong máu thấp, lượng đường trong máu cao. Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang có nguy cơ cao bị trầm cảm hơn bình thường.

Nguồn: U.S. National Library of Medicine
Triệu chứng
Một số triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang bao gồm:
- Kinh nguyệt không đều, thường xuyên bị trễ kinh hoặc ra nhiều máu trong thời gian có kinh
- Vô sinh
- Mọc lông thừa trên mặt, cằm hoặc các bộ phận trên cơ thể mà nam giới thường có lông, xảy ra ở 70% phụ nữ bị buồng trứng đa nang
- Mụn trứng cá nặng
- Béo phì, tăng cân hoặc khó giảm cân
- Đau vùng xương chậu
- Da dầu
- Sạm da, đặc biệt là dọc theo nếp nhăn cổ, ở bẹn và bên dưới vú
Buồng trứng đa nang có thể gây ra các vấn đề trong thời kỳ mang thai cho mẹ và con. Phụ nữ bị buồng trứng đa nang có nguy cơ cao gặp các vấn đề sau:
- Sẩy thai
- Tiểu đường thai kỳ
- Tiền sản giật
- Sinh mổ
Em bé cũng có nguy cơ bị thừa cân cao và cần nhiều thời gian hơn trong phòng dưỡng nhi.
Độ phổ biến
Tỉ lệ phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang chiếm khoảng 6-10% trên toàn thế giới.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính xác dẫn đến buồng trứng đa nang chưa được biết rõ. Các yếu tố nguy cơ có thể bao gồm:
- Hàm lượng androgen cao. Androgen được gọi là “nội tiết tố nam”, mặc dù tất cả phụ nữ cũng tạo ra một lượng nhỏ androgen. Androgen kiểm soát sự phát triển của các đặc điểm nam giới, chẳng hạn như chứng hói đầu ở nam giới. Phụ nữ mắc bệnh có nhiều androgen hơn bình thường. Nồng độ androgen cao hơn bình thường ở phụ nữ có thể ngăn buồng trứng phóng thích trứng (rụng trứng) trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, đồng thời có thể gây ra mọc thêm lông và mụn trứng cá.
- Lượng insulin cao. Insulin là một loại hormone kiểm soát lượng đường trong máu. Kháng insulin là khi các tế bào của cơ thể không đáp ứng với insulin. Dẫn đến nồng độ insulin trong máu cao hơn bình thường. Lượng insulin dư thừa có thể làm tăng sản xuất androgen, gây khó rụng trứng.
- Di truyền. Các gen liên quan đến sản xuất nội tiết tố androgen và các hormone sinh dục khác được cho là có vai trò trong sự phát triển của hội chứng buồng trứng đa nang. Các gen khác liên quan đến sản xuất năng lượng, phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với chấn thương (viêm), sản xuất và điều hòa insulin cũng có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh. Các biến thể di truyền kết hợp với một số yếu tố như sức khỏe và lối sống ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển hội chứng buồng trứng đa nang ở phụ nữ. Các yếu tố nguy cơ bao gồm bệnh tiểu đường, béo phì và ít vận động.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán buồng trứng đa nang và loại trừ một số nguyên nhân khác ra các triệu chứng tương tự, bác sĩ có thể thực hiện các phương pháp như:
- Khám sức khỏe. Bác sĩ sẽ đo huyết áp, chỉ số khối cơ thể (BMI) và kích thước vòng eo. Kiểm tra lông ở vị trí bất trường, mụn trứng cá hoặc các vùng da sạm màu.
- Khám vùng chậu. Khám phụ khoa để tìm các dấu hiệu tăng tiết hormone nam và kiểm tra xem buồng trứng có mở rộng hay sưng lên hay không.
- Siêu âm vùng chậu. Xét nghiệm này sử dụng sóng âm thanh kiểm tra buồng trứng để tìm u nang và kiểm tra nội mạc tử cung (niêm mạc tử cung hoặc dạ con).
- Xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ nội tiết tố androgen. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra mức cholesterol và bệnh tiểu đường.
Điều trị
Chưa có phương pháp điều trị hội chứng buồng trứng đa nang, các phương pháp hiện tại nhằm kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Phụ nữ mắc bệnh sẽ cần kết hợp nhiều phương pháp điều trị.
Các phương pháp thực hiện tại nhà nhằm giảm các triệu chứng bệnh:
- Giảm cân. Thói quen ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp làm giảm các triệu chứng liên quan đến bệnh. Giảm cân có thể giúp giảm lượng đường trong máu, cải thiện cách cơ thể sử dụng insulin và giúp nội tiết tố đạt mức bình thường. Ngay cả khi giảm 10% trọng lượng cơ thể có thể giúp chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hơn và cải thiện cơ hội mang thai.
- Tẩy lông. Sử dụng kem tẩy lông hay tẩy lông bằng laser để loại bỏ lông thừa. Có thể tìm thấy các loại kem và sản phẩm tẩy lông tại các quầy thuốc.
- Làm chậm sự phát triển của lông. Sử dụng kem eflornithine HCl có thể giúp làm chậm tốc độ mọc của lông mới ở những vị trí không mong muốn.
Một số loại thuốc sử dụng để điều trị buồng trứng đa nang và các triệu chứng của bệnh.
- Phương pháp tránh thai bằng nội tiết tố, bao gồm sử dụng thuốc, vòng âm đạo hay vòng tránh thai (IUD). Đối với những phụ nữ không muốn mang thai, biện pháp này có thể:
- Giúp chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hơn
- Giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung
- Giúp cải thiện mụn trứng cá và giảm lông mọc thêm trên mặt và cơ thể
- Thuốc kháng androgen. Những loại thuốc này ức chế hoạt động của androgen, giúp giảm rụng tóc da đầu, ngăn mọc lông trên mặt, cơ thể và mụn trứng cá. Thuốc không được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) chấp thuận để điều trị các triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang. Những loại thuốc này cũng có thể gây ra các vấn đề trong thai kỳ.
- Metformin. Thường được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường loại 2 và có thể giúp cải thiện các triệu chứng của buồng trứng đa nang. Metformin cải thiện khả năng giảm lượng đường trong máu của insulin và có thể làm giảm mức insulin và androgen. Nghiên cứu gần đây cho thấy metformin có thể có những tác động tích cực khác, bao gồm giảm khối lượng cơ thể và cải thiện mức cholesterol. Thuốc không được FDA chấp thuận để điều trị các triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang.
Mang thai
Các phương pháp điều trị nếu người phụ nữ mong muốn có thai:
- Giảm cân. Nếu bị thừa cân hoặc béo phì, giảm cân bằng cách ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hơn và cải thiện khả năng sinh sản.
- Dược phẩm. Clomiphene (Clomid) là thuốc giúp rụng trứng ở phụ nữ. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng loại thuốc này.
- Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). IVF có thể là một lựa chọn nếu thuốc không có tác dụng. Trứng được thụ tinh với tinh trùng trong phòng thí nghiệm và sau đó được đặt trở lại vào tử cung của người phụ nữ để làm tổ và phát triển.
- Phẫu thuật. Khoan buồng trứng là phương pháp phẫu thuật tạo một vài lỗ trên bề mặt buồng trứng bằng cách sử dụng tia laser hoặc một cây kim nhỏ được đốt nóng bằng điện. Phẫu thuật thường phục hồi quá trình rụng trứng, nhưng chỉ trong 6 đến 8 tháng.
Tài liệu tham khảo
- Genetic Testing Information. Polycystic ovaries. Retrieved March 10, 2021 from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/gtr/conditions/C0032460/
- Catalog of Genes and Diseases from OMIM. POLYCYSTIC OVARY SYNDROME 1; PCOS1 . Retrieved April 26, 2021 from https://omim.org/entry/184700
- Genetic and Rare Diseases Information Center. Polycystic ovarian syndrome. Retrieved April 26, 2021 from https://rarediseases.info.nih.gov/diseases/7421/polycystic-ovarian-syndrome
- U.S. National Library of Medicine. Polycystic Ovary Syndrome. Retrieved April 26, 2021 from https://medlineplus.gov/polycysticovarysyndrome.html
- U.S. National Library of Medicine. Polycystic ovary syndrome. Retrieved April 26, 2021 from https://medlineplus.gov/genetics/condition/polycystic-ovary-syndrome/
- U.S. Department of Health & Human Services. Polycystic ovary syndrome. Retrieved April 26, 2021 from https://www.womenshealth.gov/a-z-topics/polycystic-ovary-syndrome
- Nemours Foundation. Polycystic Ovary Syndrome (PCOS). Retrieved April 26, 2021 from https://kidshealth.org/en/teens/pcos.html
- Mayo Foundation for Medical Education and Research (MFMER). Polycystic ovary syndrome (PCOS). Retrieved April 26, 2021 from https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pcos/symptoms-causes/syc-20353439
- Eunice Kennedy Shriver National Institute of Child Health and Human Development. About Polycystic Ovary Syndrome (PCOS). Retrieved April 26, 2021 from https://www.nichd.nih.gov/health/topics/pcos/conditioninfo
- Department of Health and Human Services, Office on Women's Health. Polycystic ovary syndrome. Retrieved April 26 from https://www.womenshealth.gov/a-z-topics/polycystic-ovary-syndrome
- Centers for Disease Control and Prevention. PCOS (Polycystic Ovary Syndrome) and Diabetes. Retrieved April 26, 2021 from https://www.cdc.gov/diabetes/basics/pcos.html