Khi nào cần phải rạch tầng sinh môn?
Rạch tầng sinh môn là thủ thuật cắt vùng đáy chậu (mô giữa cửa âm đạo và hậu môn) để tạo khoảng rộng cho em bé chui ra dễ dàng và giúp quá trình chuyển dạ diễn ra nhanh hơn. Đôi khi tầng sinh môn của người mẹ bị rách tự nhiên khi em bé chui ra ngoài, gọi là vết rách tầng sinh môn.
Nhiều năm trước, rạch tầng sinh môn được thực hiện thường quy đối với trường hợp sản phụ sinh thường nhằm ngăn ngừa vết rách âm đạo tự nhiên. Trong nhiều trường hợp vết rạch sẽ lành nhanh hơn vết rách tự nhiên. Đồng thời, thủ thuật này giúp bảo vệ mô liên kết sàn chậu. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cho thấy rạch tầng sinh môn không ngăn ngừa được những vấn đề này.
Tầng sinh môn là gì?
Ở phụ nữ, tầng sinh môn có cấu trúc hình thoi nằm dưới cơ hoành vùng chậu và nằm giữa xương mu và xương cụt. Tầng sinh môn được chia thành tam giác niệu sinh dục trước và tam giác hậu môn sau; âm hộ đại diện cho cơ quan sinh dục ngoài.

Nguồn: teachmeanatomy.info
Cơ sàn chậu là khối cơ kéo dài từ vị trí xương cụt đến xương mu phía trước, tạo thành mặt sàn phẳng giữa hai chân, có chức năng nâng đỡ các cơ quan trong vùng chậu như tử cung, bàng quang và ruột. Ngoài ra, cơ sàn chậu giúp kiểm soát cơ, khả năng thắt và giãn các cơ hỗ trợ di chuyển chất thải ra khỏi cơ thể. Cơ sàn chậu phối hợp với các cơ quan như niệu đạo, trực tràng. Các cơ sàn chậu siết chặt, chất thải không thể thoát ra ngoài. Và khi các cơ vùng giãn ra, giúp mở rộng niệu đạo và trực tràng, do đó chất thải (nước tiểu hoặc phân) có thể đi ra ngoài dễ dàng.
Đối với nữ giới, cơ sàn chậu còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh thường qua đường âm đạo.

Nguồn: Mayo Foundation for Medical Education and Research
Phân loại vết rách âm đạo
Độ 1: vết rách nhỏ chỉ liên quan đến niêm mạc âm đạo.
Độ 2: vết rách kéo dài qua niêm mạc âm đạo đến mô âm đạo bên dưới. Hầu hết các vết cắt tầng sinh môn thuộc cấp độ hai.
Độ 3: vết rách liên quan đến niêm mạc âm đạo, các mô âm đạo và kéo dài đến cơ vòng hậu môn
- a. Tổn thương dưới 50% cơ vòng hậu môn bên ngoài
- b. Tổn thương trên 50% cơ vòng hậu môn bên ngoài
- c. Tổn thương cơ vòng hậu môn bên trong và bên ngoài
Độ 4: vết rách ảnh hưởng đến niêm mạc âm đạo, các mô âm đạo, cơ vòng hậu môn và trực tràng. Vết rách độ 4 thường nặng nhất và gây nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Lý do
Mục đích chính của phẫu thuật cắt tầng sinh môn là ngăn ngừa những vết rách nghiêm trọng ở đáy chậu. Thủ thuật này áp dụng cho một số trường hợp như:
- Vai của em bé bị kẹt sau xương chậu của mẹ
- Kích thước đầu của bé lớn hơn của âm đạo
- Bé sinh ngôi mông. Khi sinh, bé sẽ sổ phần mông hoặc chân ra trước
- Nhịp tim của em bé bất thường trong khi sinh (suy thai). Em bé có thể không được cung cấp đủ oxy và phải được sinh nhanh chóng nhằm tránh nguy cơ bị thương hoặc thai chết lưu
- Em bé quá lớn
- Người mẹ bị kiệt sức và mất nước vì giai đoạn chuyển dạ kéo dài
- Sử dụng kẹp hoặc hút chân không hỗ trợ quá trình sinh thường

Nguồn: Cleveland Clinic
Quy trình thực hiện
Nếu người mẹ đã gây tê ngoài màng cứng, có thể không cần gây mê thêm. Có hai loại vết rạch tầng sinh môn:
- Đường giữa: cắt thẳng xuống tầng sinh môn, giữa âm đạo và hậu môn. Vết cắt này dễ thực hiện nhưng làm tăng nguy cơ mở rộng sang khu vực hậu môn.
- Đường trung thất: cắt nghiêng (thường ở hướng 4 hoặc 8 giờ), ra khỏi âm đạo và đáy chậu, vào cơ, làm giảm khả năng dẫn đến vết rách mở rộng vào vùng hậu môn. Tuy nhiên, vết cắt này thường đau hơn và khó lành.

Nguồn: The American Academy of Family Physicians Foundation
Sau khi trẻ được sinh ra, kiểm tra chắc chắn nhau thai đã sổ hoàn toàn và không sót lại trong tử cung. Tiến hành khâu tầng sinh môn bằng chỉ tự tiêu.
Biến chứng
- Bầm tím, sưng tấy
- Chảy máu
- Sẹo
- Táo bón
- Đau gây khó chịu, có thể kiêng quan hệ tình dục trong thời gian dài
- Nhiễm trùng
- Rách âm hộ: cắt tầng sinh môn ở giữa tăng nguy cơ rách âm đạo độ 4. Có thể chấn thương cơ thắt ngoài hậu môn dẫn đến mất kiểm soát khi tiểu và đại tiện sau sinh
Cách chăm sóc
Những vết khâu tầng sinh môn giúp vết rạch mau phục hồi và thường tự tiêu khoảng 1 tháng sau sinh. Người mẹ có thể dùng thuốc theo toa, thuốc giảm đau hoặc chất làm mềm phân theo hướng dẫn của bác sĩ.
Vết thương thoáng khí có thể giúp rút ngắn thời gian lành vết thương. Chườm lạnh lên vết cắt khoảng 10-20 phút/ lần, hỗ trợ giảm cơn đau. Tránh đặt trực tiếp lên da vì có thể gây tổn thương, viêm nhiễm vết thương.
Giữ vết cắt và vùng xung quanh sạch sẽ, tránh nhiễm trùng. Sau khi đi vệ sinh, dùng nước ấm để rửa vùng âm đạo, đồng thời làm giảm cảm giác khó chịu. Người mẹ có thể dùng thuốc nhuận tràng nếu cảm giác đi đại tiện khó khăn. Khi vệ sinh vùng hậu môn, hãy lau nhẹ từ trước ra sau nhằm ngăn chặn vi khuẩn hậu môn lây nhiễm sang vết cắt và mô xung quanh.
Thử nằm nghiêng khi cho bé bú. Tư thế này có thể thoải mái hơn vì không gây áp lực lên đáy chậu.
Cần liên hệ với nhân viên y tế khi người mẹ bị sốt, vết thương có mùi hôi hoặc chảy mủ.
Phòng ngừa
- Vài tuần trước sinh hoặc trong quá trình sinh, xoa bóp đáy chậu giúp giãn cơ. Ngoài ra, sử dụng gạc ấm đặt lên vào vùng đáy chậu trong quá trình chuyển dạ có thể làm giảm nguy cơ rách tầng sinh môn cấp độ 3 và độ 4.
- Chế độ dinh dưỡng tốt, làn da khỏe mạnh sẽ căng ra dễ dàng hơn
- Các bài tập Kegels – bài tập cho cơ sàn chậu
- Tham gia các lớp kỹ thuật sinh con để biết các kiểm soát hơi thở và cơn rặn đẻ
- Giai đoạn hai của quá trình chuyển dạ (rặn, đẩy bé ra ngoài) thực hiện chậm và đều
- Tránh nằm ngửa khi rặn đẻ
References
- Mayo Foundation for Medical Education and Research (MFMER). Episiotomy: When it's needed, when it's not. Retrieved April 29, 2021 from https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/labor-and-delivery/in-depth/episiotomy/art-20047282
- U.S. National Library of Medicine. Episiotomy. Retrieved April 29, 2021 from https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000482.htm
- Cleveland Clinic. Episiotomy. Retrieved Aug 2, 2022 from https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/22904-episiotomy
- National Library of Medicine. Episiotomy. Retrieved Aug 2, 2022 from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK546675/
- U.S. National Library of Medicine. Episiotomy. Retrieved April 29, 2021 from https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000483.htm
- U.S. National Library of Medicine. Episiotomy. Retrieved April 29, 2021 from https://medlineplus.gov/ency/presentations/100017_1.htm
- Johns Hopkins Medicine. Episiotomy. Retrieved Aug 2, 2022 from https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/episiotomy
- American Pregnancy Association. Episiotomy Procedures – Advantages and Complications. Retrieved Aug 2, 2022 from https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/labor-and-birth/episiotomy/
- National Health Service. Retrieved Aug 2, 2022 from https://www.nhs.uk/pregnancy/labour-and-birth/what-happens/episiotomy-and-perineal-tears/
- Amerrican Family Physician. Retrieved Aug 2, 2022 from https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2021/0615/p745.html
- Cleveland Clinic. Retrieved Aug 2, 2022 from https://my.clevelandclinic.org/health/body/22729-pelvic-floor-muscles