Nên ăn gì khi bị tiểu đường thai kỳ?
Tiểu đường thai kỳ là một căn bệnh xảy ra khi lượng đường trong máu cao bất thường ở phụ nữ đang mang thai. Những người này hầu hết không bị tiểu đường trước và ngay sau khi sinh con. Tiểu đường thai kỳ có 30-70% khả năng tái phát trong những lần mang thai tiếp theo. Ngoài ra, khoảng một nửa số phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 trong vòng vài năm sau khi mang thai.
Bất kỳ ai cũng có thể phát triển tiểu đường thai kỳ trong khi mang thai, đặc biệt khi có các những yếu tố sau:
- Trên 25 tuổi
- Tiền sử gia đình mắc tiểu đường thai kỳ
- Bệnh tim hoặc huyết áp cao
- Ít vận động
- Béo phì
- Bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
- Trước đây đã sinh một em bé nặng từ 4 kg trở lên
- Đã từng bị tiểu đường thai kỳ trong các lần mang thai trước
Một chế độ ăn lành mạnh và đầy đủ chất dinh dưỡng có thể giúp bà mẹ mang thai kiểm soát đường huyết trong giai đoạn mang thai mà không cần dùng insulin.
Nên
Người mẹ nên chia thành 3 bữa ăn chính và kèm theo những buổi phụ trong ngày giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định. Mỗi bữa ăn cần có đầy đủ các nhóm chất, bao gồm:
- Carbohydrate phức hay còn gọi là tinh bột cung cấp năng lượng, chất xơ và các chất dinh dưỡng. Chúng có nhiều trong các loại quả mọng, gạo lứt, khoai lang, bánh mì nguyên cám.
- Lean protein là loại protein có ít chất béo nên làm tăng cảm giác no, nó còn là chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình phát triển của thai nhi, ví dụ như thịt gà, trứng, cá, sữa ít béo. Đặc biệt, khi cơ thể được cung cấp đầy đủ protein vào buổi sáng, mẹ bầu có thể ổn định cơn đói trong ngày và hạn chế tình trạng ốm nghén.
- Rau không tinh bột cung cấp các vitamin, khoáng chất, chất xơ quan trọng và chứa rất ít tinh bột, có nhiều trong bông cải xanh, dưa leo, đậu xanh, xà lách.
- Chất béo lành mạnh giúp tăng cảm giác no, có lợi cho hệ tim mạch. Chúng bao gồm bơ, quả hạch, dầu oliu, các loại bơ hạt (hạnh nhân, đậu phộng, điều).
- Trái cây nên chọn loại trái cây ít ngọt và chỉ số đường huyết thấp với lượng khoảng 200g/ngày, ví dụ như dưa gang, bơ, dâu, thanh long, bưởi, cam quýt, lê, táo, sơ ri. Khuyến cáo ăn cả xác (chất xơ) của trái cây để tận dụng nguồn chất xơ, tránh chỉ ép lấy nước uống.

Nguồn: Shutterstock
Không nên
Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ nên tránh những thực phẩm sau:
- Đồ uống có đường
- Carbohydrate đơn như ngũ cốc ăn sáng, thực phẩm đóng gói
Đọc kỹ nhãn thực phẩm trên bao bì để lựa chọn sản phẩm phù hợp. Một số mặt hàng có thể không chứa đường nhưng lượng carbohydrate đơn giản cao, ví dụ như snacks.
Giảm lượng muối trong chế độ ăn và thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối ngăn ngừa tăng huyết áp như thịt xông khói, mì gói, đồ hộp.
Hạn chế loại thực phẩm chứa nhiều chất béo gây tăng mỡ máu như: lòng đỏ trứng, thức ăn chiên xào, nội tạng động vật.
Lời khuyên
Đo đường huyết thường xuyên trong ngày: trước khi ăn sáng và một đến hai giờ sau mỗi bữa ăn. Đưa bác sĩ bảng ghi chép chỉ số đường huyết một đến hai tuần một lần nhằm theo dõi và có biện pháp điều chỉnh kịp thời.
Lên kế hoạch ăn trong tuần.
Cắt giảm lượng đường có trong bánh kẹo, nước ngọt bằng cách dùng các loại thực phẩm sau:
- Sữa chua ít đường hoặc không đường
- Các loại hạt không ướp muối
- Trái cây và rau
- Sữa tách béo
- Uống đủ nước theo như cầu của cơ thể
Sử dụng chất tạo ngọt tự nhiên như cỏ ngọt, quả chà là, mật ong.

Nguồn: Shutterstock
Hiểu về các loại đường trên nhãn thực phẩm như sucrose, glucose, dextrose, fructose, lactose, maltose, mật ong, đường nghịch chuyển (invert sugar), siro (syrup), đường HFCS (siro bắp) và rỉ đường (molasses) để lựa chọn thực phẩm phù hợp.
Tìm hiểu thêm về chỉ số đường huyết (GI) giúp cho người bệnh chọn được thực phẩm có chỉ số GI thấp, kiểm soát lượng đường trong máu. Tuy nhiên, cần chú ý đến lượng thức ăn chứa carbohydrate. Nếu hấp thu carbohydrate từ một lượng lớn thực phẩm có GI thấp vẫn có thể làm tăng lượng đường trong máu đáng kể.
Lời kết
Mỗi người là một cá thể độc lập, do đó những gì phù hợp với người này có thể không phù hợp với người kia. Ví dụ, một số mẹ bầu nhận thấy rằng ngay cả những thực phẩm lành mạnh như cháo yến mạch, trái cây hoặc các loại thực phẩm khác vẫn làm tăng mức đường huyết. Vì vậy, mẹ bầu đừng thất vọng nếu ban đầu cảm thấy khó kiểm soát mức đường huyết. Mẹ sẽ nhanh chóng nằm được những gì phù hợp với bản thân mình.
Một số phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ tự nỗ lực quản lý mức đường huyết bằng chế độ ăn uống và tập thể dục. Mẹ bầu cũng có thể thấy khả năng đáp ứng của mình đối với một số loại thực phẩm thay đổi khi mang thai. Ví dụ, một số mẹ phát hiện chính những loại thực phẩm có tác dụng tốt trong thời kỳ đầu mang thai lại khiến lượng đường trong máu tăng lên.
Ngoài chế độ ăn uống đầy đủ, tập thể dục có thể giúp giảm mức đường huyết. Đi bộ 30 phút mỗi ngày được khuyến khích trong suốt thai kỳ, phương pháp này có thể giúp giảm lượng đường trong cơ thể.
Tuy nhiên, một số mẹ bầu mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng cũng không thể kiểm soát mức đường huyết chỉ với chế độ ăn kiêng và tập thể dục, vì vậy họ cần dùng thuốc hỗ trợ. Thuốc và insulin sẽ giúp ích nhưng không thể thay thế chế độ ăn uống và tập thể dục, do đó điều thực sự quan trọng là mẹ bầu phải duy trì thói quen lành mạnh của mình.
References
- U.S. National Library of Medicine. Gestational diabetes diet. Retrieved July 23, 2022 from https://medlineplus.gov/ency/article/007430.htm
- Cleveland Clinic. What Should You Eat When You’re on a Gestational Diabetes Diet Plan? Retrieved July 23, 2022 from https://health.clevelandclinic.org/what-should-you-eat-when-youre-on-a-gestational-diabetes-diet-plan/
- Diabetes UK. What can I eat with gestational diabetes? Retrieved July 23, 2022 from https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/enjoy-food/eating-with-diabetes/i-have-gestational-diabetes
- National Health Service. Foods to avoid in pregnancy. Retrieved July 23, 2022 from https://www.nhs.uk/pregnancy/keeping-well/foods-to-avoid/
- Tommy’s. Gestational diabetes and your diet. Retrieved July 23, 2022 from https://www.tommys.org/pregnancy-information/pregnancy-complications/gestational-diabetes/gestational-diabetes-and-your-diet
- National Institute for Health and Care Excellence. Diabetes in pregnancy: management from preconception to the postnatal period. Retrieved July 23, 2022 from https://www.nice.org.uk/guidance/ng3
- The University of California, San Francisco Medical Center. Diabetes During Pregnancy: Diet Tips. Retrieved July 23, 2022 from https://www.ucsfhealth.org/education/diabetes-during-pregnancy-diet-tips
- National Health Service. High blood pressure (hypertension) and pregnancy. Retrieved July 23, 2022 from https://www.nhs.uk/pregnancy/related-conditions/complications/high-blood-pressure/
- National Health Service. What is the glycaemic index (GI)? Retrieved July 239, 2022 from https://www.nhs.uk/common-health-questions/food-and-diet/what-is-the-glycaemic-index-gi/