Mang thai ngoài tử cung
Trong một thai kỳ bình thường, trứng sau khi thụ tinh sẽ bám vào niêm mạc tử cung, làm tổ và phát triển bên trong tử cung. Mang thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển bên ngoài khoang chính của tử cung. Hơn 90% thai ngoài tử cung xảy ra ở ống dẫn trứng. Đôi khi, thai ngoài tử cung xảy ra ở các khu vực khác của cơ thể, chẳng hạn như buồng trứng, khoang bụng hoặc cổ tử cung.
Mang thai ngoài tử cung rất nguy hiểm nếu không được điều trị. Các ống dẫn trứng có thể bị vỡ do thai phát triển, có thể gây chảy máu bên trong, nhiễm trùng và trong một số trường hợp dẫn đến tử vong.

Nguồn: Babycenter
Triệu chứng
Mang thai ngoài tử cung khó chẩn đoán vì các triệu chứng thường giống như mang thai bình thường ở giai đoạn đầu như trễ kinh, căng tức vú, buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi hoặc đi tiểu thường xuyên.
Thông thường, dấu hiệu mang thai ngoài tử cung đầu tiên là đau hoặc chảy máu âm đạo. Có thể bị đau ở xương chậu, bụng, hoặc thậm chí vai hoặc cổ. Cơn đau có thể từ nhẹ, âm ỉ đến dữ dội và đau buốt.
Nếu máu rò rỉ từ ống dẫn trứng, có thể cảm thấy đau vai hoặc muốn đi nặng. Các triệu chứng cụ thể phụ thuộc vào vị trí máu tụ và dây thần kinh nào bị kích thích.
Nếu trứng đã thụ tinh tiếp tục phát triển trong ống dẫn trứng, nó có thể gây vỡ ống, có khả năng chảy máu nhiều bên trong bụng. Các triệu chứng bao gồm choáng váng, ngất xỉu và sốc.
Liên hệ với bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của thai ngoài tử cung, bao gồm:
- Đau dữ dội ở bụng hoặc vùng chậu
- Chảy máu âm đạo
- Ngất xỉu
- Huyết áp thấp
- Đau vai
Nguyên nhân
Mang thai ngoài tử cung thường xảy ra do trứng đã thụ tinh không thể di chuyển xuống ống dẫn trứng vào tử cung.
Nhiễm trùng hoặc viêm ống dẫn trứng có thể đã làm tắc một phần hoặc toàn bộ. Bệnh viêm vùng chậu (PID), có thể do bệnh lậu hoặc vi khuẩn chlamydia gây ra, là nguyên nhân phổ biến gây tắc ống dẫn trứng.
Lạc nội mạc tử cung, mô sẹo từ phẫu thuật ổ bụng hoặc ống dẫn trứng trước đó cũng có thể gây tắc nghẽn.
Sự mất cân bằng nội tiết tố hoặc sự phát triển bất thường của trứng đã thụ tinh cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến mang thai ngoài tử cung.
Yếu tố nguy cơ
Những yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung:
- Tiền sử bệnh viêm vùng chậu (PID), một bệnh nhiễm trùng có thể tạo ra mô sẹo trong ống dẫn trứng, tử cung, buồng trứng và cổ tử cung.
- Nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (STIs).
- Đã từng mang thai ngoài tử cung trước đó – nguy cơ mang thai ngoài tử cung lần sau là khoảng 10%.
- Từng phẫu thuật ống dẫn trứng (như thắt ống dẫn trứng) hoặc trên các cơ quan khác trong vùng chậu.
- Điều trị vô sinh, chẳng hạn như thụ tinh trong ống nghiệm, dùng thuốc để kích thích rụng trứng có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
- Có thai khi đang sử dụng dụng cụ tránh thai.
- Hút thuốc.
- Tiền sử vô sinh.
- Lạc nội mạc tử cung.
- Lớn tuổi, nguy cơ cao nhất đối với phụ nữ mang thai từ 35 đến 40 tuổi.
Chẩn đoán
Thử thai
Xét nghiệm nồng độ hCG trong máu để kiểm tra có đang mang thai hay không. Thông thường, nồng độ hCG tăng lên trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên ở những người mang thai ngoài tử cung, nồng độ hCG có xu hướng thấp hơn và tăng chậm so với thai kỳ bình thường. Xét nghiệm này có thể được lặp lại vài ngày một lần cho đến khi có thể xác nhận hoặc loại trừ mang thai ngoài tử cung bằng siêu âm, thường là khoảng năm đến sáu tuần sau khi thụ thai.
Siêu âm
Mang thai ngoài tử cung thường được chẩn đoán bằng cách tiến hành siêu âm qua ngã âm đạo. Trong quá trình siêu âm, một thiết bị đầu dò được đặt vào âm đạo, sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh về tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng. Kết quả siêu âm thường cho thấy trứng đã thụ tinh có làm tổ trong ống dẫn trứng hay không, mặc dù tình trạng này có thể rất khó phát hiện.
Các xét nghiệm máu khác
Xét nghiệm công thức máu kiểm tra tình trạng thiếu máu hoặc các dấu hiệu bất thường khác.
Điều trị
Trứng đã thụ tinh không thể phát triển bình thường bên ngoài tử cung. Để ngăn ngừa các biến chứng đe dọa tính mạng, các mô ngoài tử cung cần được loại bỏ. Tùy thuộc vào các triệu chứng và thời điểm phát hiện thai ngoài tử cung. Phương pháp loại bỏ có thể được thực hiện bằng cách sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật nội soi.
Thuốc
Loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng để điều trị thai ngoài tử cung là methotrexate. Thuốc này ngăn không cho các tế bào phát triển, làm chấm dứt thai kỳ. Sử dụng thuốc không yêu cầu cắt bỏ ống dẫn trứng. Methotrexate có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn mữa, tiêu chảy, chóng mặt.
Có thể dùng methotrexate nếu thai chưa làm vỡ ống dẫn trứng. Một số trường hợp không thể sử dụng methotrexate như phụ nữ đang cho con bú hoặc có vấn đề về sức khỏe.
Trước khi tiêm methotrexate, các xét nghiệm máu sẽ được thực hiện để đo nồng độ hCG và các chức năng của một số cơ quan. Nếu nồng độ hCG vẫn chưa giảm đủ sau liều đầu tiên, có thể khuyến nghị một liều methotrexate khác. Thai phụ sẽ được theo dõi cẩn thận theo thời gian cho đến khi không còn tìm thấy hCG trong máu.
Phẫu thuật
Trong hầu hết trường hợp, phẫu thuật nội soi sẽ được thực hiện để loại bỏ thai khi thai quá lớn. Trong quá trình phẫu thuật, thai phụ sẽ được gây mê, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở bụng, đưa ống nội soi và các dụng cụ phẫu thuật nhỏ qua vết mổ. Toàn bộ ống dẫn trứng chứa thai sẽ được loại bỏ. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ cố gắng loại bỏ thai mà không loại bỏ toàn bộ ống ống dẫn trừng. Phẫu thuật cắt ống dẫn trứng không làm giảm khả năng sinh sản sau này.
Nếu ống dẫn trừng bị vỡ, thai phụ cần được phẫu thuật khẩn cấp để loại bỏ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ống dẫn trứng có thể được phục hồi mà không cần cắt bỏ.
Sau phẫu thuật, người phụ nữ có nhóm máu Rh âm tính thường được điều trị bằng globulin miễn dịch Rh (hay còn gọi là anti-D) để phòng ngừa bệnh Rh không tương thích trong những lần mang thai sau này.
Phòng ngừa
Mang thai ngoài tử cung không thể ngăn ngừa được. Nhưng nguy cơ mang thai ngoài tử cung có thể giảm nếu duy trì một lối sống lành mạnh, bao gồm:
- Không hút thuốc
- Duy trì cân nặng và chế độ ăn uống hợp lý
- Phòng tránh các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs)
References
- U.S National Library of Medicine. Ectopic Pregnancy. Retrieved June 3, 2021 from https://medlineplus.gov/ectopicpregnancy.html
- Nemours Foundation. Ectopic Pregnancy. Retrieved June 3, 2021 from https://kidshealth.org/en/parents/ectopic.html
- Mayo Foundation for Medical Education and Research. Ectopic pregnancy. Retrieved June 3, 2021 from https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ectopic-pregnancy/symptoms-causes/syc-20372088
- The American College of Obstetricians and Gynecologists. Ectopic Pregnancy. Retrieved June 3, 2021 from https://www.acog.org/womens-health/faqs/ectopic-pregnancy
- National Health Service. Ectopic pregnancy. Retrieved June 3, 2021 from https://www.nhs.uk/conditions/ectopic-pregnancy/treatment/
- Cleveland Clinic. Ectopic Pregnancy. Retrieved June 3, 2021 from https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9687-ectopic-pregnancy
- Planned Parenthood. Retrieved June 3, 2021 from https://www.plannedparenthood.org/learn/pregnancy/ectopic-pregnancy
- PregnancyBirth&baby. Ectopic pregnancy. Retrieved June 3, 2021 from https://www.pregnancybirthbaby.org.au/ectopic-pregnancy
- The Ectopic Pregnancy Trust. Reasons for an ectopic pregnancy. Retrieved June 3, 2021 from https://ectopic.org.uk/patients/reasons-for-an-ectopic-pregnancy/
- Michigan Medicine. Ectopic Pregnancy. Retrieved June 3, 2021 from https://www.uofmhealth.org/health-library/hw144921
- U.S National Library of Medicine. Ectopic Pregnancy. Retrieved June 3, 2021 from https://medlineplus.gov/ency/article/000895.htm