Tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ là một căn bệnh xảy ra khi lượng đường trong máu cao bất thường ở người phụ nữ đang mang thai. Những người này hầu hết không bị tiểu đường trước và ngay sau khi sinh con. Tiểu đường thai kỳ có 30-70% khả năng tái phát trong những lần mang thai tiếp theo. Ngoài ra, khoảng một nửa số phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2, trong vòng vài năm sau khi mang thai.

Ảnh: Tuyến tụy
Nguồn: U.S. National Library of Medicine

Ảnh: Insulin
Nguồn: U.S. National Library of Medicine
Biểu hiện lâm sàng
Tiểu đường thai kỳ thường được phát hiện trong 3 tháng giữa của thai kỳ. Hầu hết phụ nữ bị ảnh hưởng đều không có triệu chứng và bệnh được phát hiện thông qua tầm soát định kỳ. Nếu không được điều trị, tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ cao huyết áp trong thai kỳ (tiền sản giật) và sinh non.
Em bé của những người mẹ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ có xu hướng lớn hơn bình thường (macrosomia), có thể gây ra các biến chứng trong khi sinh. Trẻ sơ sinh có mẹ bị tiểu đường thai kỳ cũng có nhiều khả năng bị đường huyết thấp ngay sau khi sinh. Sau khi lớn lên, những đúa trẻ này có nguy cơ cao mắc bệnh béo phì, bệnh tim và tiểu đường tuýp 2.
Độ phổ biến
Ở Hoa Kỳ, có tới 14% sản phụ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ đang gia tăng nhanh chóng trong vài thập kỷ qua (một xu hướng tương tự như sự gia tăng bệnh béo phì và bệnh tiểu đường tuýp 2).
Các chủng tộc khác nhau có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường thai kỳ khác nhau. Phụ nữ gốc Mỹ bản địa, châu Á, gốc Tây Ban Nha hoặc người Mỹ gốc Phi có khả năng được chẩn đoán mắc bệnh cao hơn phụ nữ da trắng không phải gốc Tây Ban Nha.
Ở Việt Nam, trong một số nghiên cứu tại các vùng miền khác nhau, tỷ lệ phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ tăng từ 3,9% vào năm 2004 đến 20,3% năm 2012 và đạt 20,9% vào năm 2017.
Nguyên nhân
Nguyên nhân của bệnh tiểu đường thai kỳ rất phức tạp, do kết hợp các yếu tố di truyền, sức khỏe và lối sống, một số yếu tố chưa được xác định.
Hormone insulin rất quan trọng trong sự phát triển của bệnh tiểu đường thai kỳ. Insulin được sản xuất trong tuyến tụy , kiểm soát lượng glucose từ máu đi vào các tế bào để được sử dụng làm nguồn năng lượng. Trong điều kiện bình thường, khi lượng đường trong máu cao (như sau bữa ăn), tuyến tụy sẽ tiết ra insulin để di chuyển lượng glucose dư thừa vào tế bào, làm giảm lượng glucose trong máu.
Trong một thai kỳ bình thường, cơ thể người phụ nữ giảm khả năng đáp ứng với các tác động của insulin, được gọi là kháng insulin. Quá trình này nhằm đảm bảo có đủ glucose để cung cấp năng lượng cho thai nhi đang phát triển. Khi tình trạng kháng insulin phát triển, cơ thể ngày càng cần nhiều insulin để giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường. Kết quả là các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy (được gọi là tế bào beta) tạo ra một lượng insulin lớn hơn. Ở thai kỳ bình thường, những tế bào beta có thể tăng sản xuất insulin để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, vì vậy hầu hết phụ nữ mang thai không bị tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, ở một số phụ nữ, tế bào beta không thể sản xuất đủ insulin để giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường. Kết quả là làm tăng lượng đường trong máu (tăng đường huyết), gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ.
Các biến thể phổ biến trong một số gen có liên quan đến nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường thai kỳ. Mặc dù người ta biết rất ít về di truyền của bệnh tiểu đường thai kỳ, các nghiên cứu cho thấy rằng các gen liên quan đến dạng bệnh tiểu đường này trùng lặp với các gen liên quan đến bệnh tiểu đường tuýp 2. Những gen này liên quan đến sự phát triển và chức năng của các tế bào beta sản xuất insulin trong tuyến tụy hoặc đóng một vai trò trong việc kháng insulin.
Các biến thể di truyền kết hợp với các yếu tố sức khỏe và lối sống để ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường thai kỳ của phụ nữ. Các yếu tố nguy cơ bao gồm việc mang thai trước đó bị ảnh hưởng bởi bệnh tiểu đường thai kỳ, lớn tuổi (đặc biệt là trên 35 tuổi). Các tình trạng sức khỏe khác dẫn đến bệnh bao gồm thừa cân hoặc béo phì, mất cân bằng nội tiết tố (hội chứng buồng trứng đa nang - PCOS) và tiền tiểu đường (lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường không đạt đến ngưỡng cho phép mắc bệnh tiểu đường). Nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường thai kỳ cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2.
Chẩn đoán
Phụ nữ mang thai có thể làm xét nghiệm glucose và xét nghiệm dung nạp glucose qua đường miệng. Các xét nghiệm này cho thấy cách xử lý glucose trong cơ thể.
- Xét nghiệm glucose. Trong xét nghiêm này, máu sẽ được lấy cách 1 giờ sau khi uống một loại nước có chứa glucose. Nếu lượng đường trong máu từ 135 mg/dL đến 140 mg/dL hoặc cao hơn.
- Xét nghiệm dung nạp glucose qua đường miệng (OGTT). Xét nghiệm đo lượng đường huyết sau khi nhịn ăn ít nhất 8 giờ. Máu sẽ được lấy trước và sau khi uống một loại nước có chứa glucose, cách nhau mỗi giờ trong 2 đến 3 giờ. Mức đường huyết cao tại bất kỳ hai hoặc nhiều thời điểm (lúc đói, 1 giờ, 2 giờ và 3 giờ), cho thấy người này bị tiểu đường thai kỳ.
Điều trị
Điều trị tiểu đường thai kỳ nhằm mục đích giữ cho mức đường huyết bình thường đối với phụ nữ mang thai. Việc điều trị luôn bao gồm chế độ ăn uống và luyện tập kết hợp với việc xét nghiệm đường huyết hàng ngày và tiêm insulin.
Lực chọn thực phẩm lành mạnh
Ăn nhiều loại thực phẩm bao gồm trái cây tươi và rau quả, hạn chế ăn chất béo đến 30% hoặc ít hơn lượng calo hàng ngày và theo dõi khẩu phần ăn. Thói quen ăn uống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường và các vấn đề sức khỏe khác một cách lâu dài.
Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên cho phép cơ thể sử dụng glucose mà không cần thêm insulin, giúp chống lại sự kháng insulin. Điều này làm cho việc tập thể dục trở nên hữu ích đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, cần hỏi ý kiến bác sĩ để có chế độ tập luyện thích hợp.
Dược phẩm
Sử dụng thuốc nếu lượng đường huyết vẫn không được kiểm soát tốt từ 1 đến 2 tuần sau khi thay đổi chế độ ăn uống và luyện tập, hoặc nếu lượng đường trong máu cao. Thuốc thường được sử dụng cho phụ nữ tiểu đường thai kỳ là metformin. Metformin được dùng dưới dạng viên nén tối đa 3 lần một ngày, thường cùng hoặc sau bữa ăn. Metformin được dùng dưới dạng viên nén tối đa 3 lần một ngày, thường cùng hoặc sau bữa ăn. Tác dụng phụ của thuốc bao gồm mệt mỏi, sốt, có thắt dạ dày, tiêu chảy, ăn không ngon.
Tiêm insulin
Insilin được khuyên nghị trong trường hợp:
- Không thể dùng metformin hoặc thuốc gây ra tác dụng phụ.
- Không thể kiểm soát đường huyết bằng metformin.
- Lượng đường trong máu rất cao.
- Thai nhi quá lớn hoặc quá nhiều nước ối (đa ối).
Sử dụng quá nhiều insulin có thể khiến lượng đường trong máu xuống thấp (hạ đường huyết). Các triệu chứng của lượng đường trong máu thấp bao gồm cảm thấy run rẩy, đổ mồ hôi, đói, tái xanh hoặc khó tập trung. Vì vậy, cần kiểm tra đường huyết thường xuyên để điều chỉnh lượng insulin phù hợp.
Dạng di truyền
Tiểu đường thai kỳ là một căn bệnh phức tạp không có kiểu di truyền rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ mắc bệnh có ít nhất một thành viên trong gia đình (cha mẹ hoặc anh chị em) mắc bệnh này hoặc một dạng bệnh tiểu đường khác (phổ biến nhất là bệnh tiểu đường loại 2).
Phòng ngừa
Nếu có dự định mang thai, có một vài cách có thể giảm nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ như giảm cân và tăng cường hoạt động thể chất trước khi có thai. Thực hiện các bước này có thể cải thiện cách cơ thể sử dụng insulin và giúp lượng đường trong máu ở mức bình thường.
Khi đã mang thai, sản phụ đừng nên cố giảm cân mà cần tăng cân một chút để thai nhi khỏe mạnh. Tuy nhiên, tăng cân quá nhanh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Hãy hỏi bác sĩ về mức tăng cân và hoạt động thể chất trong thai kỳ như thế nào là phù hợp với bản thân.
Các tên gọi khác
- Tiểu đường phát sinh trong thai kỳ
- Tiểu đường, thai nghén
- Tiểu đường, liên quan đến thai nghén
- Bệnh tiểu đường, do mang thai
- GDM
- Tiểu đường thai kỳ
References
- Genetic Testing Information. Gestational diabetes. Retrieved January 22, 2021 from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/gtr/conditions/C0085207/
- Catalog of Genes and Diseases from OMIM. DIABETES MELLITUS, PERMANENT NEONATAL, 1; PNDM1. Retrieved January 22, 2021 from https://omim.org/entry/606176
- U.S. National Library of Medicine .Gestational diabetes. Retrieved January 22, 2021 from https://medlineplus.gov/genetics/condition/gestational-diabetes/
- U.S. National Library of Medicine .Gestational diabetes. Retrieved January 22, 2021 from https://medlineplus.gov/diabetesandpregnancy.html
- National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases. Gestational Diabetes. Retrieved January 22, 2021 from https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/diabetes-pregnancy
- Centers for Disease Control and Prevention. Gestational Diabetes and Pregnancy. Retrieved January 22, 2021 from https://www.cdc.gov/pregnancy/diabetes-gestational.html
- American Diabetes Association. Gestational Diabetes: Treatment & Perspective. Retrieved January 22, 2021 from https://www.diabetes.org/diabetes/gestational-diabetes/how-to-treat-gestational-diabetes