Galactosemia – Rối loạn chuyển hóa đường lactose (GAL)
Galactosemia là một bệnh di truyền ảnh hưởng quá trình cơ thể xử lý các phân tử đường galactose. Glactose có mặt trong rất nhiều loại thực phẩm, nó là thành phần chính của một loại đường lớn hơn gọi là đường sữa (lactose) có trong các sản phẩm sữa và rất nhiều thực phẩm dành cho trẻ em. Những dấu hiệu và triệu chứng của galactosemia xuất hiện do cơ thể không có khả năng phân giải đường galactose tạo ra năng lượng.
Biểu hiện lâm sàng
Người ta đã xác định được một số dạng của galactosemia có nguyên nhân do đột biến gen tác động lên các enzyme khác nhau có tham gia vào quá trình phân giải đường galactose.
Galactosemia loại 1 phổ biến nhất cũng là nặng nhất. Nếu trẻ sơ sinh bị galactosemia loại 1 không được chữa trị kịp thời và không thực hiện chế độ kiêng đường galactose, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng chỉ trong vài ngày sau khi sinh. Trẻ mắc bệnh sẽ kén ăn, hấp thụ dinh dưỡng kém dẫn đến suy nhược, chậm phát triển, chậm tăng cân, vàng da, vàng mắt, tổn thương gan và chảy máu bất thường. Các biến chứng nguy hiểm khác bao gồm nhiễm trùng máu và sốc nhiễm khuẩn. Trẻ còn có nguy cơ chậm phát triển, đục thủy tinh thể, khó nói, thiểu năng trí tuệ. Nữ mắc galactosemia loại 1 có thể gặp các vấn đề về sinh sản do bị mất hoặc suy giảm chức năng của buồng trứng (suy buồng trứng sớm).

Nguồn: Designua/Shutterstock.com
Galactosemia loại 2 (thiếu galactokinase) và loại 3 (thiếu epimerase galactose) gây ra các dấu hiện và triệu chứng khác. Galactosemia loại 2 ít nguy hiểm hơn loại 1. Trẻ mắc bệnh bị đục thủy tinh thể nhưng ít biến chứng mãn tính. Các dấu hiệu và triệu chứng galactosemia loại 3 biểu hiện đa dạng từ nhẹ đến nặng, bao gồm cả đục thủy tinh thể, chậm phát triển, thiểu năng trí tuệ, bệnh gan và thận.
Các biến chứng
Rất nhiều các biến chứng có thể xuất hiện nếu galactosemia không được chẩn đoán và được điều trị kịp thời.
Các biến chứng phổ biến bao gồm:
- Suy gan
- Nhiễm khuẩn nặng
- Siêu nhiễm khuẩn nguy hiểm đến tính mạng
- Sốc
- Chậm phát triển
- Các vấn đề hành vi và nhận thức
- Đục thủy tinh thể
- Run
- Chậm nói, khó nói
- Thiểu năng trí tuệ, tiếp thu, học hỏi khó khăn
- Khó vận động
- Loãng xương
- Sinh sản kém
- Suy buồng trứng
Suy buồng trứng chỉ có thể xuất hiện ở phụ nữ. Buồng trứng dừng hoạt động chức năng khi còn trẻ và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Hiện tượng này thường xảy ra trước tuổi 40 với một vài triệu chứng tương tự như giai đoạn mãn kinh.
Độ phổ biến
Tỉ lệ các trẻ sơ sinh bị mắc galactosemia loại 1 dao động trong khoảng từ 1/30.000 đến 1/60.000. Galactosemia loại 2 và 3 ít phổ biến hơn. Loại 2 có lẽ chưa đến 1/100.000, còn loại 3 rất hiếm.
Nguyên nhân
Các đột biến gen GALT, GALK1 và GALE gây ra galactosemia. Những gen này mang thông tin tổng hợp nên các enzyme thiết yếu cho quá trình chuyển hóa galactose từ thực phẩm bằng cách cắt galactose thành đường glucose và những phân tử khác mà cơ thể có thể dư trữ hoặc sử dụng tạo ra năng lượng.
Những đột biến trên gen GALT gây ra galactosemia loại 1. Đa phần những đột biến này loại bỏ hoàn toàn hoạt động của enzyme được tạo ra bởi gen GALT, ngăn chặn quá trình xử lý galactose thông thường và gây ra các triệu chứng của bệnh. Đột biến gen GALT còn được gọi là biến thể Duarte, làm giảm nhưng không loại bỏ hoàn toàn hoạt động của enzyme. Những người bị biến thể Duarte có những đặc điểm của galactosemia nhưng biểu hiện nhẹ hơn.
Galactosemia loại 2 do đột biến gen GALK1, trong khi những đột biến trên gen GALE là nguyên nhân gây ra galactosemia loại 3. Giống như enzyme do gen GALT tạo ra, các enzyme từ gen GALK1 và GALE đóng vai trò quan trọng trong quá trình xử lý galactose. Nếu thiếu bất kì enzyme nào, sẽ dẫn đến tình trạng galactose và những hợp chất liên quan ứ đọng đến mức gây độc cho cơ thể, chúng phá hủy mô và các cơ quan, dẫn đến những đặc điểm điển hình của galactosemia.
Chẩn đoán
Galactosemia thường được chẩn đoán bằng những xét nghiệm sàng lọc sơ sinh, cho biết nồng độ thấp của galactose và các enzyme thiết yếu để phân giải galactose.
Xét nghiệm nước tiểu cũng có thể được thực hiện để chẩn đoán bệnh. Các xét nghiệm di truyền cũng có thể giúp chẩn đoán phát hiện galactosemia.
Điều trị
Cách phổ biến nhất giúp những người bị galactosemia là thực hiện chế độ ăn chứa rất ít galactose, nghĩa là không được uống sữa và ăn những thực phẩm có chứa lactose hoặc galactose. Hiện nay chưa có cách chữa trị galactosemia cũng như chưa có thuốc hoặc liệu pháp nào được chấp nhận để thay thế cho các enzyme thiết yếu.
Mặc dù chế độ ăn ít galactose có thể ngăn chặn hoặc giảm rủi ro xuất hiện một số các biến chứng nhưng không thể ngăn ngừa tất cả các biến chứng. Trong một số trường hợp, trẻ nhỏ vẫn xuất hiện một số vấn đề như chậm nói, thiểu năng trí tuệ, chậm tiếp thu và các vấn đề sinh sản.
Chậm nói là biến chứng rất phổ biến, vì vậy tập nói như một phần của phác đồ điều trị.
Ngoài ra, những trẻ bị thiểu năng trí tuệ, chậm tiếp thu cần có những cách thức can thiệp và giáo dục riêng.
Galactosemia có thể tăng nguy cơ rủi ro đối với các bệnh truyền nhiễm, vì vậy kiểm soát viêm nhiễm vô cùng cần thiết. Điều trị bằng kháng sinh và những thuốc khác có thể giúp ích.
Chế độ ăn uống
Tuân theo chế độ ăn chứa ít galactose, tránh dùng các thực phẩm chứa lactose, bao gồm:
- Sữa
- Bơ
- Phô mai
- Kem
- Và các sản phẩm từ sữa khác
Có thể thay thế những thực phẩm này bằng sữa hạnh nhân, sữa đậu nành, dầu dừa, kem trái cây. Sữa mẹ có chứa lactose nên không được dùng cho những trẻ bị bệnh. Tuy nhiên, một vài trẻ mắc biến thể Duarte galactosemia vẫn có thể bú sữa mẹ.
Dạng di truyền
Bệnh được di truyền theo kiểu lặn nên cần phải có cả hai bản sao đột biến của gen trong mỗi tế bào. Mỗi cha mẹ của người bệnh mang một bản sao đột biến và đều truyền lại cho người bệnh, nhưng họ lại không hề có bất kì dấu hiệu hay các triệu chứng nào liên quan đến bệnh này.

Nguồn: U.S. National Library of Medicine
Phòng ngừa
Bệnh di truyền theo cơ chế gen lặn rất khó phát hiện ở những người thể mang vì gần như không có biểu hiện rõ ràng, đến khi có con mới biết được thì đã quá muộn. Do đó, các cặp vợ chồng trước khi mang thai cần làm xét nghiệm gen lặn để sàng lọc bệnh Galactodemia, đảm bảo sinh con khỏe mạnh và lành lặn.
Các tên gọi khác
- Galactosemia cổ điển (loại 1)
- Galactosemia thiếu epimerase
- Bệnh thiếu hụt uridyl-tranferase galactose-1-phosphate
- Thiếu epimerase galactose
- Thiếu GALE
- Thiếu GALK
- Bệnh thiếu UDP-galactose-4-epimerase
- Bệnh thiếu UTP hexose-1-phosphate uridyltransferase
Tài liệu tham khảo
- Genetic Testing Information. Galactosemia. Retrieved November 7, 2020 from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/gtr/conditions/C0016952/
- Catalog of Genes and Diseases from OMIM. GALACTOSEMIA I; GALAC1. Retrieved November 7,, 2020 from https://omim.org/entry/C0016952/
- Rare Diseases. Galactosemia. Retrieved November 7,, 2020 from https://ghr.nlm.nih.gov/primer/inheritance/inheritancepatterns
- U.S National Library of Medicine. Galactosemia. Retrieved November 7,, 2020 from https://medlineplus.gov/genetics/condition/galactosemia/
- Nemours Foundation. Galactosemia. Retrieved November 7,, 2020 from https://kidshealth.org/en/parents/galactosemia.html/