Đa u tủy – Myeloma
Đa u tủy (multiple myeloma) là bệnh ung thư máu hiếm gặp phát triển trong tủy xương, nguyên nhân do tế bào plasma tăng sinh quá mức và mất chức năng. Tế bào plasma được sản xuất và lưu trữ trong tủy xương. Những tế bào dư thừa có thể kết hợp với nhau tạo thành khối u tại nhiều vị trí trong cơ thể, đặc biệt tủy xương.

Nguồn: ©2014 Terese Winslow LLC

Ảnh: Cơ chế đông máu
Nguồn: Alila Medical Media/Shutterstock.com

Ảnh: Các triệu chứng của thiếu máu
Nguồn: Designua/Shutterstock.com
Biểu hiện lâm sàng
Các tế bào plasma bất thường nhân lên mất kiểm soát, tăng từ khoảng 1% số tế bào trong tủy xương đến khi chiếm phần lớn tế bào tủy xương, từ đó hình thành khối u, gây đau xương và tăng nguy cơ gãy xương. Nếu khối u chèn ép dây thần kinh gần xương, có thể gây tê, yếu tay hoặc chân. Người bệnh cũng có thể bị mất mô xương, đặc biệt ở hộp sọ, cột sống, xương sườn và xương chậu. Xương bị suy thoái có thể dẫn đến dư canxi trong máu, buồn nôn, chán ăn, khát nước, mệt mỏi, yếu cơ và lú lẫn.

Nguồn: ©2014 Terese Winslow LLC
Tế bào huyết tương bất thường trong bệnh đa u tủy sản sinh ra protein làm suy giảm quá trình phát triển của tế bào máu bình thường. Do đó, số lượng tế bào hồng cầu của người bệnh giảm (thiếu máu) , gây mệt mỏi, suy nhược và da nhợt nhạt bất thường. Số lượng tế bào bạch cầu thấp dẫn đến hệ miễn dịch suy yếu và nhiễm trùng thường xuyên như viêm phổi. Giảm số lượng tiểu cầu gây chảy máu và bầm tím bất thường. Các vấn đề về thận cũng có thể xảy ra do tăng canxi huyết hoặc do protein độc hại tạo ra từ tế bào huyết tương bất thường.

Nguồn: ©2008 Terese Winslow LLC
Người bệnh thường phát triển biểu hiện bệnh vào khoảng 65 tuổi. Bệnh có thể đe dọa đến tính mạng. Một số trường hợp tình cờ được chẩn đoán khi thực hiện xét nghiệm cho mục đích khác và không biểu hiện triệu chứng trong nhiều năm.
Độ phổ biến
Đa u tủy là bệnh ung thư máu hiếm gặp, chiếm khoảng 10% các bệnh ung thư máu và mô tạo máu. Người ta ước tính tỷ lệ mắc bệnh khoảng 4/100.000 người mỗi năm.
Nguyên nhân
Nguyên nhân của bệnh đa u tủy chưa rõ ràng. Đột biến soma xảy ra ở một số tế bào nhất định (trong trường hợp này là tế bào plasma) và không di truyền. Đột biến trong các gen này cản trở quá trình điều hòa phát triển và tăng sinh tế bào, dẫn đến tăng sinh mất kiểm soát tế bào plasma đặc trưng của bệnh đa u tủy.

Nguồn: Alila Medical Media/Shutterstock.com
Trao đổi vật chất di truyền bất thường giữa các nhiễm sắc thể (chuyển đoạn) là hiện tượng biến dị soma thường gặp trong bệnh đa u tủy, liên quan đến chuyển vị giữa nhiễm sắc thể số 14 và nhiễm sắc thể khác. Gen kiểm soát quá trình phát triển và phân chia tế bào có thể bị ảnh hưởng bởi những chuyển vị này. Người ta đang xác định vai trò của thay đổi di truyền và nhiễm sắc thể này trong quá trình phát triển của bệnh đa u tủy.

Nguồn: Meletios/Shutterstock.com
Yếu tố nguy cơ bệnh đa u tủy bao gồm đã từng thực hiện xạ trị hoặc tiếp xúc với bức xạ khác. Tiếp xúc với một số hóa chất như benzen (sản phẩm từ dầu mỏ được sử dụng rộng rãi làm dung môi công nghiệp và phụ gia xăng) cũng khiến tăng nguy cơ u tủy.
Chẩn đoán
Đôi khi đa u tủy được chẩn đoán khi bác sĩ tình cờ phát hiện trong quá trình xét nghiệm máu cho bệnh lý khác. Nó cũng có thể được chẩn đoán nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh đa u tủy dựa trên triệu chứng của người bệnh.
Các xét nghiệm và thủ thuật được sử dụng để chẩn đoán đa u tủy bao gồm:
- Xét nghiệm máu: phân tích máu nhằm xác định protein M do tế bào u tủy tạo ra. Một loại protein bất thường khác được sản xuất bởi các tế bào u tủy là beta-2-microglobulin, có thể phát hiện trong máu, cung cấp manh mối về mức độ u tủy của người bệnh. Ngoài ra, xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng thận, số lượng tế bào máu, nồng độ canxi và nồng độ axit uric.
- Xét nghiệm nước tiểu: phân tích nước tiểu có thể phát hiện protein M (protein Bence Jones). Người bệnh thường có nồng độ chất này vượt quá khả năng hấp thụ của ống thận.
- Kiểm tra tủy xương: mẫu được lấy bằng một cây kim dài, đưa vào xương (chọc hút và sinh thiết tủy xương), sau đó đưa mẫu vào phòng thí nghiệm tiến hành phân tích, kiểm tra tế bào u tủy bằng xét nghiệm chuyên biệt như lai huỳnh quang tại chỗ (FISH).
- Chẩn đoán hình ảnh: các xét nghiệm hình ảnh có thể được chỉ định phát hiện vấn đề về xương liên quan đến đa u tủy. Các xét nghiệm bao gồm chụp X-quang, MRI, CT hoặc chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)

Nguồn: Terese Winslow LLC
Điều trị
Điều trị đa u tủy dựa trên nhiều yếu tố bao gồm tuổi tác, sức khỏe của người bệnh, triệu chứng liên quan và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Liệu pháp trúng đích
Phương pháp điều trị bằng thuốc tập trung vào điểm yếu trong tế bào ung thư, từ đó tiêu diệt tế bào ung thư. Các loại thuốc dưới đây đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt, chỉ dành riêng điều trị cho bệnh này.
- Melphalan (thuốc tiêm): điều trị giảm nhẹ cho bệnh nhân đa u tủy không đáp ứng melphalan đường uống.
- Daratumumab sử dụng kết hợp với bortezomib, melphalen và prednisone điều trị cho bệnh nhân mới được chẩn đoán không đủ điều kiện cấy ghép tế bào gốc tự thân. Sử dụng kết hợp với pomalidomide và dexamethasone điều trị bệnh nhân đa u tủy đã áp dụng ít nhất hai liệu pháp trước đó bao gồm lenalidomide và một chất ức chế proteasome. Sử dụng kết hợp với lenalidomide, dexamethasone hoặc bortezomib và dexamethasone điều trị cho bệnh nhân đã điều trị ít nhất một lần trước đó.
- Doxorubicin HCL liposome (thuốc tiêm) sử dụng kết hợp với bortezomib điều trị bệnh nhân chưa từng dùng bortezomib và đã điều trị ít nhất một lần trước đó.
- Elotuzumab: sử dụng kết hợp với pomalidomide và dexamethasone điều trị bệnh nhân người lớn đã áp dụng ít nhất hai liệu pháp trước đó bao gồm lenalidomide và một chất ức chế proteasome. Sử dụng kết hợp với lenalidomide và dexamethasone điều trị bệnh nhân đã được điều trị từ một đến ba liệu pháp trước đó.
- Carfilzomib sử dụng điều trị bệnh nhân đã áp dụng ít nhất hai liệu pháp điều trị trước đó bao gồm bortezomib và một chất điều hòa miễn dịch.
- Ixazomib citrate sử dụng kết hợp với lenalidomide và dexamethasone điều trị bệnh nhân đã điều trị ít nhất một lần trước đó.
- Pomalidomide sử dụng điều trị bệnh nhân đã áp dụng ít nhất hai liệu pháp điều trị trước đó bao gồm lenalidomide và bortezomib.
- Lenalidomide sử dụng kết hợp với dexamethasone. Ngoài ra, người ta sử dụng duy trì sau khi cấy ghép tế bào gốc tạo máu tự thân.
- Thalidomide sử dụng điều trị cấp tính các biểu hiện da của bệnh phong ban đỏ dạng nốt (ENL) từ trung bình đến nặng và dùng như liệu pháp duy trì nhằm ngăn ngừa bệnh tái phát ENL.
- Bortezomib sử dụng điều trị bệnh nhân đã được điều trị ít nhất một lần trước đó. Điều trị bệnh nhân u lympho tế bào vỏ.
Liệu pháp miễn dịch
Hệ miễn dịch của cơ thể không tấn công bệnh ung thư vì tế bào ung thư sản xuất protein giúp chúng ẩn khỏi tế bào miễn dịch. Liệu pháp miễn dịch hoạt động bằng cách can thiệp vào quá trình sản xuất protein của tế bào ung thư, từ đó ngăn chặn quá trình phát triển của chúng.
Hóa trị
Hóa trị sử dụng thuốc tiêu diệt tế bào ung thư. Sử dụng liều cao thuốc hóa trị trước khi cấy ghép tủy xương.
Thuốc corticoid
Thuốc corticosteroid điều chỉnh hệ thống miễn dịch nhằm kiểm soát tình trạng viêm trong cơ thể. Chúng cũng hoạt động chống lại tế bào u tủy.
Ghép tủy
Ghép tủy (ghép tế bào gốc) là thủ thuật thay thế tủy xương bệnh bằng tủy xương khỏe mạnh.

Nguồn: National Cancer Institute
Trước khi cấy ghép tủy xương, tế bào gốc khỏe mạnh tạo máu được lấy từ cơ thể người bệnh. Sau đó, người bệnh được tiêm liều cao thuốc hóa trị liệu để phá tủy xương bệnh. Tiếp theo, tế bào gốc của người bệnh được truyền trở lại vào cơ thể để tái tạo lại tủy xương khỏe mạnh.
Xạ trị
Xạ trị sử dụng chùm năng lượng công suất cao từ các nguồn như tia X và proton để tiêu diệt tế bào ung thư. Nó được sử dụng để nhanh chóng thu nhỏ tế bào u tủy tại khu vực cụ thể, ví dụ khi tập hợp các tế bào huyết tương bất thường tạo thành một khối u (plasmacytoma) gây đau hoặc phá hủy xương.
Dạng di truyền
Bệnh đa u tủy không do di truyền mà phát sinh từ đột biến soma trong tế bào plasma. Gia đình có tiền sử bị bệnh đa u tủy làm gia tăng nguy cơ phát triển bệnh, tuy nhiên mô hình di truyền vẫn chưa được tìm hiểu rõ.
Phòng ngừa
Hiện nay chưa có biện pháp ngăn ngừa đa u tủy vì nó gây ra do thay đổi di truyền tự phát trong cơ thể hoặc được kích hoạt bởi độc tố trong môi trường.
Các tên gọi khác
- Kahler disease
- Kahler's disease
- Kahler-Bozzolo disease
- Medullary
- Plasmacytoma
- Myelomatosis
- Plasma cell dyscrasia
- Plasma cell myelomas
Tài liệu tham khảo
- Genetic Testing Information. Multiple myeloma. Retrieved June 4, 2022 from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/gtr/conditions/C0026764/
- Genetic and Rare Diseases Information Center. Multiple myeloma. Retrieved June 4, 2022 from https://rarediseases.info.nih.gov/diseases/7108/multiple-myeloma
- Catalog of Genes and Diseases from OMIM. MYELOMA, MULTIPLE. Retrieved June 4, 2022 from https://omim.org/entry/254500
- U.S National Library of Medicine. Multiple myeloma. Retrieved June 4, 2022 from https://medlineplus.gov/genetics/condition/multiple-myeloma/
- National Organization for Rare Disorders (NORD). Multiple Myeloma. Retrieved June 4, 2022 from https://rarediseases.org/rare-diseases/multiple-myeloma/
- Mayo Foundation for Medical Education and Research (MFMER). Multiple Myeloma. Retrieved June 4, 2022 from https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/multiple-myeloma/symptoms-causes/syc-20353378
- U.S National Library of Medicine. Multiple myeloma. Retrieved June 4, 2022 from https://medlineplus.gov/multiplemyeloma.html
- American Academy of Family Physicians. Multiple Myeloma Overview. Retrieved June 4, 2022 from https://familydoctor.org/condition/multiple-myeloma/
- National Cancer Institute. General Information about Plasma Cell Neoplasms (Including Multiple Myeloma). Retrieved June 4, 2022 from https://www.cancer.gov/types/myeloma/patient/myeloma-treatment-pdq
- American Cancer Society. What Is Multiple Myeloma? Retrieved June 4, 2022 from https://www.cancer.org/cancer/multiple-myeloma/about/what-is-multiple-myeloma.html
- Cleveland Clinic. Multiple Myeloma. Retrieved June 4, 2022 from https://my.clevelandclinic.org/health/articles/6178-multiple-myeloma