Hóa trị
Hóa trị là liệu pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị được thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau nhưng chung một cơ chế hoạt động bằng cách ngăn chặn tế bào ung thư phát triển và lây lan trong cơ thể.
Mục đích
- Điều trị ung thư
- Ức chế khối u phát triển
- Giảm kích thước khối u, tạo điều kiện thuận lợi cho phẫu thuật hoặc xạ trị
- Giảm triệu chứng (ví dụ như đau)
- Tiêu diệt các tế bào khối u còn sót lại sau khi phẫu thuật (hóa trị bổ trợ)
Cơ chế hoạt động
Các mô cơ thể được tạo thành từ hàng tỷ tế bào riêng lẻ. Khi một người trưởng thành hoàn toàn, hầu hết các tế bào sẽ giảm phân chia, chúng thường chỉ nhân lên để thay thế hoặc sửa chữa tế bào hư hỏng. Đối với người mắc bệnh ung thư, các tế bào phân chia liên tục nhưng không chết đi rồi dần hình thành khối u.
Hóa trị tiêu diệt các tế bào đang trong quá trình phân tách thành 2 tế bào mới. Mỗi loại thuốc tác động đến một giai đoạn cụ thể như:
- Làm hỏng phần trung tâm (gen, vùng nhân) điều khiển quá trình phân chia
- Làm gián đoạn các quá trình truyền tín hiệu liên quan đến phân chia tế bào
Người bệnh có thể kết hợp nhiều loại thuốc hóa trị khác nhau nhằm tiêu diệt nhiều tế bào hơn (kể cả tế bào khỏe mạnh).
Các loại thuốc hóa trị
Hiện nay có 3 dạng thuốc hóa trị:
- Dạng viên nén dùng bằng đường uống
- Dạng lỏng thường truyền vào tĩnh mạch, động mạch hoặc đưa đến trực tiếp khu vực có tế bào ung thư
- Dạng gel bôi ngoài da, thuốc sẽ thẩm thấu vào bên trong
Bác sĩ sẽ xem xét nhiều yếu tố để lựa chọn hướng điều trị phù hợp, bao gồm:
- Loại ung thư
- Giai đoạn ung thư (ung thư biểu mô tại chỗ, ung thư di căn)
- Kết quả xét nghiệm dấu ấn sinh học
- Tuổi của bệnh nhân
- Sức khỏe tổng quát của bệnh nhân
- Tiền sử bệnh của bệnh nhân
- Các phương pháp điều trị ung thư đã áp dụng trước đó
Thuốc hóa trị lưu thông khắp cơ thể người bệnh thông qua đường máu. Vì vậy, nó có tác dụng lên tế bào ung thư tại hầu hết mọi nơi trong cơ thể, nên được gọi là hóa trị toàn thân. Một số trường hợp không đáp ứng với hóa trị toàn thân, thuốc cần được đưa đến một vùng cụ thể như:
- Hóa trị nội động mạch: thuốc được đưa trực tiếp vào động mạch cung cấp máu và dưỡng chất cho tế bào ung thư phát triển
- Hóa trị cục bộ: thuốc được đưa trực tiếp đến khu vực có tế bào ung thư (vd khoang bụng, bàng quang, võng mạc mắt) hoặc đưa thuốc vào dịch não, tủy xung quanh não và tủy sống
Hóa trị bằng đường truyền tĩnh mạch
Đây là phương pháp được áp dụng phổ biến. Một số thiết bị được sử dụng như:
- Ống thông: một ống nhỏ được đặt vào tĩnh mạch tại mu bàn tay hoặc cánh tay trong một thời gian ngắn.
- Ống thông tĩnh mạch ngoại vi là một ống mềm, mỏng được đưa vào tĩnh mạch. Nó thường được đặt tại phần dưới của cánh tay hoặc mu bàn tay, dùng để truyền dịch qua đường tĩnh mạch, truyền máu, hóa trị và các loại thuốc khác. Nó được giữ trong vài tuần hoặc vài tháng.
- Ống thông tĩnh mạch trung tâm là một ống mềm, mỏng được đưa vào tĩnh mạch, thường ở dưới xương đòn bên phải, rồi luồn vào tĩnh mạch lớn phía trên bên phải của tim, gọi là tĩnh mạch chủ trên. Nó được sử dụng để truyền dịch qua đường tĩnh mạch, truyền máu, hóa trị và các loại thuốc khác. Ống thông cũng được sử dụng để lấy mẫu máu. Nó có thể giữ nguyên vị trí trong vài tuần hoặc vài tháng, giảm số lần đưa kim vào mạch máu.
- Buồng tiêm tĩnh mạch dưới da (port-a-cath) thường được đặt dưới da phía bên phải của ngực. Nó được gắn vào một ống thông mỏng, linh hoạt, rồi luồn vào một tĩnh mạch lớn phía trên bên phải của tim, gọi là tĩnh mạch chủ trên. Nó được sử dụng để truyền dịch qua đường tĩnh mạch, truyền máu, hóa trị và các loại thuốc khác. Nó cũng được sử dụng để lấy mẫu máu. Mũi kim có thể tồn tại trong một thời gian dài, giúp giảm số lần đưa kim vào mạch máu.

Nguồn: Wikimedia

Nguồn: National Caner Institute

Nguồn: National Caner Institute

Nguồn: National Caner Institute
Trước khi hóa trị
Người bệnh sẽ thực hiện một số xét nghiệm nhằm đánh giá sức khỏe tổng quát trước khi thực hiện hóa trị như:
- Xét nghiệm máu kiểm tra thành phần máu, đánh giá chức năng gan và thận
- Chụp X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) kiểm tra kích thước khối u ung thư
- Đo chiều cao, cân nặng để tính liều lượng thuốc phù hợp
Tác dụng phụ
Hóa trị không chỉ tiêu diệt tế bào ung thư phát triển nhanh mà còn giết chết các tế bào khỏe mạnh đang phân chia nhanh chóng. Khi hóa trị kết thúc, người bệnh thường biểu hiện một số triệu chứng kéo dài trong vài tháng đến vài năm như sau:
- Lở miệng
- Buồn nôn
- Rụng tóc, lông
- Mệt mỏi, kiệt sức
- Thiếu máu
- Ăn không ngon
- Chảy máu và bầm tím (do giảm tiểu cầu)
- Táo bón hoặc tiêu chảy
- Mê sảng
- Sưng, phù hạch bạch huyết
- Dễ bị nhiễm trùng và giảm bạch cầu trung tính
- Phù bạch huyết
- Đau nhức
- Mất ngủ
- Kích ứng hoặc viêm đường tiết niệu
Bệnh nhân cũng có thể xuất hiện triệu chứng ở giai đoạn muộn, bao gồm:
- Mãn kinh sớm
- Các vấn đề tim mạch
- Vô sinh
- Tổn thương thần kinh
Những tác dụng phụ biểu hiện khác nhau với mỗi người, ngay cả giữa những người đang điều trị cùng một loại ung thư.
Chế độ dinh dưỡng
Người bệnh cần bổ sung thực phẩm bổ dưỡng nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi của cơ thể sau điều trị. Rau và trái cây tươi chứa các chất chống oxy hóa (vitamin C, vitamin E, carotenoid, phytochemical) giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào do phản ứng hóa học với oxy gây ra. Thực phẩm chứa nhiều chất xơ như đậu, ngũ cốc, các loại hạt có thể hỗ trợ cải thiện chức năng đường ruột, giảm nguy cơ các biến chứng bệnh tim. Người bệnh cần hạn chế các loại thịt đỏ hoặc đồ ăn sống (salad, sushi, trứng). Nếu cảm thấy khô miệng hoặc mệt mỏi, người bệnh nên bổ sung nước, chất điện giải kịp thời, tránh suy nhược cơ thể gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị về sau.
Lời kết
Hóa trị là một trong những liệu pháp điều trị ung thư phổ biến. Một số trường hợp, nó được kết hợp với các phương pháp khác để tăng hiệu quả điều trị. Hóa trị có thể gây ra tác dụng phụ ngắn hạn và dài hạn. Trước khi bắt đầu bất kỳ phương pháp điều trị ung thư nào, người bệnh cần trao đổi và tham vấn ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa.
Ung thư có thể quay trở lại sau khi hóa trị hoặc bất kỳ loại điều trị ung thư nào. Do đó, người bệnh cần tái khám và theo dõi sức khỏe định kỳ phòng ngừa ung thư tái phát.
References
- National Health Service. Chemotherapy. Retrieved October 21, 2022 from https://www.nhs.uk/conditions/chemotherapy/
- Cancer Research UK. How chemotherapy works. Retrieved October 21, 2022 from https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/cancer-in-general/treatment/chemotherapy/how-chemotherapy-works
- National Caner Institute. Intrathecal chemotherapy. Retrieved October 21, 2022 from https://www.cancer.gov/publications/dictionaries/cancer-terms/def/intrathecal-chemotherapy
- Cleveland Clinic. Chemotherapy. Retrieved October 21, 2022 from https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/16859-chemotherapy
- American Cancer Society. Chemotherapy. Retrieved October 21, 2022 from https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/treatment-types/chemotherapy.html
- Mayo Foundation for Medical Education and Research. Chemotherapy. Retrieved October 21, 2022 from https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/chemotherapy/about/pac-20385033
- Cancer.Net. What is Chemotherapy? Retrieved October 21, 2022 from https://www.cancer.net/navigating-cancer-care/how-cancer-treated/chemotherapy/what-chemotherapy
- National Caner Institute. Chemotherapy to Treat Cancer. Retrieved October 21, 2022 from https://www.cancer.gov/about-cancer/treatment/types/chemotherapy
- American Cancer Society. Eating Well After Treatment. Retrieved October 21, 2022 from https://www.cancer.org/treatment/survivorship-during-and-after-treatment/be-healthy-after-treatment/eating-well-after-treatment-ends.html
- American Cancer Society. Nutrition and Physical Activity During and After Cancer Treatment: Answers to Common Questions. Retrieved October 21, 2022 from https://www.cancer.org/treatment/survivorship-during-and-after-treatment/be-healthy-after-treatment/nutrition-and-physical-activity-during-and-after-cancer-treatment.html