Ung thư tinh hoàn
Tinh hoàn là hai tuyến hình trứng nằm bên trong bìu (một túi da lỏng nằm ngay bên dưới dương vật). Tinh hoàn được giữ trong bìu bởi thừng tinh, nó cũng chứa các ống dẫn tinh, mạch máu và dây thần kinh của tinh hoàn.

Nguồn: Terese Winslow
Tinh hoàn là tuyến sinh dục nam phụ trách sản xuất testosterone và tinh trùng. Tế bào mầm trong tinh hoàn tạo ra tinh trùng chưa trưởng thành, sau đó tinh trùng di chuyển qua mạng lưới các ống vào mào tinh – nơi tinh trùng trưởng thành và được lưu trữ.
Phần lớn các trường hợp ung thư tinh hoàn đều bắt đầu từ tế bào mầm, bao gồm: u tinh (seminoma) và u mầm không phải tế bào dòng tinh (non-seminoma). Hai loại khối u này có cơ chế phát triển và lây lan khác nhau. Non-seminoma có xu hướng phát triển và lây lan nhanh hơn so với seminoma. Seminoma nhạy cảm hơn với bức xạ. Một khối u tinh hoàn có chứa cả seminoma và non-seminoma.
Biểu hiện lâm sàng
Hầu hết người bệnh xuất hiện khối u không đau trong tinh hoàn. Các triệu chứng khác bao gồm:
- Khối u hoặc sưng không đau ở một trong hai tinh hoàn
- Cảm giác nặng ở bìu
- Đau âm ỉ ở bụng dưới hoặc bẹn
- Chất lỏng tích tụ bất thường trong bìu
- Khó chịu ở tinh hoàn hoặc bìu
Những triệu chứng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác. Do đó, người bệnh cần khám chẩn đoán phân biệt nhằm tầm soát bệnh, ngăn ngừa ung thư lây lan khiến bệnh khó điều trị hơn.
Biến chứng
Nếu không được chẩn đoán và điều trị, tế bào ung thư tinh hoàn có thể di căn và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Đau lưng dưới nếu khối u di căn đến các hạch bạch huyết gần đó.
- Sưng hạch bạch huyết vùng cổ nếu khối u di căn đến cổ.
- Sưng và đau chi dưới do cục máu đông gây tắc nghẽn, gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu.
- Khó thở, ho mãn tính hoặc ho ra máu do cục máu đông di chuyển đến phổi.
- Nhức đầu, mất nhận thức và các triệu chứng thần kinh khác có thể phát triển khi khối u thứ cấp hình thành trong não.
- Suy nhược cơ thể, sụt cân không chủ ý.
Độ phổ biến
Ung thư tinh hoàn hiếm gặp, ước tính tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1/250 nam giới. Bệnh chủ yếu xảy ra trong độ tuổi 15-35.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính xác gây ung thư tinh hoàn vẫn chưa rõ ràng. Ung thư tinh hoàn phát triển do các tế bào phân chia nhanh hơn bình thường dẫn đến hình thành khối u. Khoảng 90% ca bệnh phát sinh do tế bào mầm (loại tế bào phát triển thành tinh trùng chưa trưởng thành) trong tinh hoàn kết tụ lại với nhau rồi tạo thành khối u.
Có hai loại ung thư tinh hoàn phát sinh từ tế bào mầm:
Seminoma dạng ung thư phát triển chậm, chủ yếu xuất hiện trong độ tuổi khoảng 40-50.
Non-seminoma dạng ung thư phát triển nhanh hơn seminoma, nó chủ yếu xuất hiện trong độ tuổi 20-30.
Non-seminoma thường chứa nhiều hơn một loại tế bào, mỗi loại được đặt tên theo tế bào mầm tạo nên khối u, bao gồm:
- Ung thư biểu mô phôi
- Ung thư biểu mô túi noãn hoàng
- Ung thư nguyên bào nuôi
- U quái
Một số khối u ác tính ở tinh hoàn có cả hai tế bào seminoma và non-seminoma.
Yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ không trực tiếp gây ung thư nhưng chúng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Tuổi tác: bệnh thường xảy ra trong độ tuổi 15-35
- Tinh hoàn ẩn: tinh hoàn hình thành trong ổ bụng của thai nhi và thường tụt vào bìu trước khi sinh. Tinh hoàn không tụt xuống gọi là tinh hoàn ẩn và có thể phải phẫu thuật. Trẻ sinh ra mắc phải hội chứng này tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn ngay cả khi đã phẫu thuật
- Chủng tộc: bệnh phổ biến ở người da trắng
- Tiền sử bệnh của gia đình: có thành viên trong gia đình mắc ung thư tinh hoàn hoặc mang bệnh di truyền, ví dụ như hội chứng Klinefelter
- Hút thuốc lá
- Thừa cân, béo phì
Xem thêm: 5 tác hại hàng đầu của hút thuốc lá
Chẩn đoán
Trong một số trường hợp, nam giới tự phát hiện khối u khi tự khám tại nhà. Các trường hợp khác, bác sĩ có thể phát hiện khối u khi khám sức khỏe định kỳ.
Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u trong huyết thanh: định lượng một số chất nhất định giải phóng vào máu bởi các cơ quan, mô hoặc tế bào khối u trong cơ thể. Một số chất có liên quan đến các loại ung thư khi tăng nồng độ trong máu. Chúng được gọi là chất chỉ điểm khối u.
- Alpha-fetoprotein (AFP)
- Human chorionic gonadotropin (hCG hoặc beta-hCG)
- Lactate dehydrogenase (LDH)
Xét nghiệm này được thực hiện trước khi phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn và sinh thiết bẹn giúp chẩn đoán ung thư tinh hoàn.
Phẫu thuật tinh hoàn: thủ thuật cắt bỏ toàn bộ tinh hoàn thông qua một vết rạch ở bẹn , đồng thời sinh thiết mô để kiểm tra tế bào ung thư. Không thực hiện vết cắt qua bìu vào tinh hoàn để lấy mẫu mô làm sinh thiết vì nếu có ung thư, thủ thuật này có thể khiến nó di căn vào bìu và các hạch bạch huyết.
Điều trị
Seminoma có xu hướng phát triển chậm và đáp ứng quá trình xạ trị hiệu quả hơn non-seminoma.
Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn và một số hạch bạch huyết có thể được thực hiện khi chẩn đoán và phân giai đoạn bệnh. Các khối u đã di căn đến các vị trí khác trong cơ thể có thể được phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ.
Một số bệnh nhân có thể được điều trị hóa trị hoặc xạ trị sau khi phẫu thuật nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Ngoài ra, liệu pháp này còn giúp giảm nguy cơ ung thư tái phát, nên nó được gọi là liệu pháp bổ trợ.
Xạ trị
Xạ trị sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các loại bức xạ khác nhằm tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn không cho chúng phát triển. Xạ trị bên ngoài sử dụng thiết bị bên ngoài cơ thể đưa bức xạ đến vùng cơ thể bị ung thư.
Hóa trị
- Hóa trị sử dụng thuốc ngăn chặn quá trình phát triển của tế bào ung thư bằng cách tiêu diệt tế bào hoặc ngăn tế bào phân chia. Hóa trị liệu bằng đường uống hoặc tiêm, thuốc đi vào máu và có thể tiếp cận các tế bào ung thư khắp cơ thể (hóa trị toàn thân).
- Hóa trị liều cao kết hợp cấy ghép tế bào gốc.

Nguồn: National Cancer Institute
Lưu ý
Quá trình điều trị ung thư tinh hoàn có thể gây vô sinh. Những bệnh nhân mong muốn có con cần được tư vấn thực hiện trữ đông tinh trùng trước khi điều trị.
Ngoài ra, lượng testosterone có thể bị ảnh hưởng, người bệnh gặp các triệu chứng như mệt mỏi, tăng cân, giảm ham muốn tình dục và rối loạn cương dương. Do đó, bệnh nhân cần điều trị thêm liệu pháp hormone thay thế dưới dạng tiêm, miếng dán hoặc gel bôi da.
Dạng di truyền
Hiện nay, người ta chưa xác định được gen cụ thể nào liên quan đến ung thư tinh hoàn. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đối với gia đình có tiền sử bệnh.
Phòng ngừa
Hiện nay chưa có phương pháp ngăn ngừa ung thư tinh hoàn. Mỗi người có thể tự kiểm tra tinh hoàn xem có dấu hiệu bất thường như cục u, nốt sần, độ cứng hoặc kích thước. Nên thực hiện kiểm tra tinh hoàn sau khi tắm với nước ấm. Hơi ấm làm giãn da bìu, giúp dễ cảm nhận dấu hiệu bất thường.
Dùng cả hai tay kiểm tra từng tinh hoàn. Đặt ngón trỏ và ngón giữa bên dưới tinh hoàn với ngón cái ở trên. Cuộn từng tinh hoàn giữa ngón tay cái và ngón tay.

Nguồn: Cleveland Clinic
Phân biệt khối u và cơ quan tinh hoàn: khi kiểm tra từng tinh hoàn, có thể cảm thấy một sợi dây ở phía trên và phía sau. Cấu trúc này gọi là mào tinh hoàn, không phải khối u. Kích thước hai tinh hoàn thường không bằng nhau nhưng sẽ không quá chênh lệch. Các khối u có thể to bằng hạt đậu hoặc lớn hơn và thường không đau.
Các tên gọi khác
- Cancer - testes
- Germ cell tumor
- Seminoma testicular cancer
- Nonseminoma testicular cancer
- Testicular neoplasm
References
- U.S National Library of Medicine. Testicular Cancer. Retrieved September 1, 2022 from https://medlineplus.gov/testicularcancer.html
- U.S National Library of Medicine. Testicular Cancer Treatment (PDQ®)–Patient Version. Retrieved September 1, 2022 from https://www.cancer.gov/types/testicular/patient/testicular-treatment-pdq
- American Cancer Society. What Is Testicular Cancer? Retrieved September 1, 2022 from https://www.cancer.org/cancer/testicular-cancer/about/what-is-testicular-cancer.html
- Testicular Cancer Resource Center. How to Do a Testicular Self Examination. Retrieved September 1, 2022 from http://thetcrc.org/tcexam.html
- American Academy of Family Physicians. Testicular Cancer. Retrieved September 1, 2022 from https://familydoctor.org/condition/testicular-cancer/
- American Cancer Society. Risk Factors for Testicular Cancer. Retrieved September 1, 2022 from https://www.cancer.org/cancer/testicular-cancer/causes-risks-prevention/risk-factors.html
- U.S National Library of Medicine. Testicular cancer. Retrieved September 1, 2022 from https://medlineplus.gov/ency/article/001288.htm
- VeryWell Health. Testicular cancer. Retrieved September 1, 2022 from https://www.verywellhealth.com/testicular-cancer-4012706
- Cancer Research UK. Risks and causes of testicular cancer. Retrieved September 1, 2022 from https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/testicular-cancer/risks-causes
- National Health Service. Testicular cancer. Retrieved September 1, 2022 from https://www.nhs.uk/conditions/testicular-cancer/