U nguyên bào thần kinh
U nguyên bào thần kinh (neuroblastoma) là loại ung thư phổ biến ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh xảy ra khi các tế bào thần kinh chưa trưởng thành và nhân lên mất kiểm soát tạo thành khối u. Trường hợp thường gặp, khối u bắt nguồn từ mô thần kinh của tuyến thượng thận. Khối u hình thành tại một số vị trí, bao gồm mô thần kinh bụng, ngực, cổ hoặc xương chậu. Chúng có khả năng di căn đến các bộ phận khác của cơ thể như xương, gan hoặc da.
Biểu hiện lâm sàng
Người bệnh phát triển các dấu hiệu như khó chịu, sốt, mệt mỏi, đau, chán ăn, sụt cân hoặc tiêu chảy.
Các dấu hiệu và triệu chứng khác phụ thuộc vào vị trí của khối u và nơi nó di căn:
- Khối u trong bụng gây sưng bụng
- Khối u trong ngực dẫn đến khó thở
- Khối u tại cổ gây tổn thương thần kinh (hội chứng Horner) dẫn đến sụp mí mắt, đồng tử nhỏ, giảm tiết mồ hôi và da đỏ
- Khối u di căn đến xương gây đau xương, bầm tím, da nhợt nhạt hoặc quầng thâm mắt
- Khối u tại xương sống chèn ép tuỷ sống, gây yếu, tê hoặc liệt tay chân
- Khối u di căn đến da tạo nên các vết sưng có màu xanh hoặc tím
Một số khối u kích thích cơ thể giải phóng hormone gây huyết áp cao, nhịp tim nhanh, da đỏ bừng và đổ mồ hôi. Trường hợp hiếm gặp, hệ miễn dịch của người bệnh tấn công các mô thần kinh gây ra hội chứng rung giật nhãn cầu – giật cơ.
Độ phổ biến
U nguyên bào thần kinh là loại ung thư phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh ước tính 1/100.000 trẻ em, riêng tại Hoa Kỳ có khoảng 650 trẻ em mắc bệnh mỗi năm.
Nguyên nhân
U nguyên bào thần kinh xảy ra khi có nhiều đột biến trong những gen nắm vai trò kiểm soát quá trình phát triển, phân chia và biệt hóa tế bào. Phần lớn những thay đổi di truyền này là đột biến soma, chúng chỉ hiện diện trong một số tế bào và không được di truyền. U nguyên bào thần kinh liên quan đến đột biến soma gọi là u nguyên bào thần kinh đơn lẻ. Một số trường hợp hiếm gặp, đột biến gen làm tăng nguy cơ phát triển ung thư di truyền từ cha mẹ gọi là u nguyên bào thần kinh gia đình. Đến nay, người ta tìm ra được đột biến soma trong gen ALK và PHOX2B làm tăng nguy cơ phát triển u nguyên bào thần kinh đơn lẻ và gia đình.
Gen ALK cung cấp hướng dẫn tạo ra protein thụ thể ALK tyrosine kinase. Người ta vẫn chưa biết rõ chức năng của protein này, nhưng dường như nó nắm vai trò thiết yếu trong quá trình tăng sinh tế bào. Đột biến gen ALK dẫn đến phiên bản thụ thể ALK tyrosine kinase bất thường, nó hoạt động liên tục nên gây ra tăng sinh tế bào thần kinh chưa trưởng thành, rồi dẫn đến u nguyên bào thần kinh.
Một số đột biến gen PHOX2B gây ra u nguyên bào thần kinh đơn lẻ và gia đình. Gen PHOX2B giữ vị trí quan trọng với quá trình thành và biệt hóa tế bào thần kinh. Đột biến gen PHOX2B dẫn đến phiên bản protein PHOX2B tăng biệt hóa tế bào thần kinh. Do đó, tế bào thần kinh chưa trưởng thành bị dư thừa, rồi hình thành u nguyên bào thần kinh.
Mất một số vùng trên nhiễm sắc thể số 1 liên quan đến u nguyên bào thần kinh. Người ta cho rằng vùng bị mất chứa gen ức chế khối u, từ đó tăng nguy cơ phát triển ung thư. Trong đó, mất và đột biến gen KIF1B đã được xác định ở một số người mắc bệnh có tính gia đình. Do đó, gen KIF1B liên quan đến quá trình phát triển của u nguyên bào thần kinh.
Một thay đổi di truyền khác được tìm thấy trong u nguyên bào thần kinh liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh nhưng không trực tiếp gây ra bệnh. Khoảng 25% người bệnh có thêm bản sao của gen MYCN, hiện tượng này gọi là khuếch đại gen. Người ta chưa hiểu tại sao hiện tượng khuếch đại gen MYCN làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Chẩn đoán
Bệnh được chẩn đoán dựa vào kết quả đánh giá biển hiện lâm sàng, tiền sử bệnh cá nhân và gia đình.
Nếu trẻ bị nghi ngờ mắc u nguyên bào thần kinh sẽ được tiến hành thêm các xét nghiệm, bao gồm:
- Xét nghiệm máu và nước tiểu
- Xét nghiệm hình ảnh
- Sinh thiết
Xét nghiệm catecholamine
Các tế bào trong cơ thể tạo ra nhiều loại kích thích tố khác nhau. Ví dụ, các tế bào thần kinh giao cảm thường giải phóng các hormone catecholamine đi vào máu, rồi phân hủy thành các chất chuyển hóa bao gồm axit homovanillic (HVA), axit vanillylmandelic (VMA) đi ra khỏi cơ thể thông qua nước tiểu.
Các tế bào u nguyên bào thần kinh cũng tạo ra các catecholamine này, vì vậy các chất chuyển hóa tương tự được phát hiện trong máu và nước tiểu. Trẻ mắc bệnh có lượng HVA và VMA cao hơn bình thường. Ngoài ra, các chỉ số này cũng được theo dõi nhằm đánh giá hiệu quả điều trị.
Các xét nghiệm máu và nước tiểu khác: kiểm tra số lượng tế bào máu, chức năng gan, thận và cân bằng điện giải trong cơ thể.
Xét nghiệm hình ảnh
Xét nghiệm hình ảnh sử dụng tia X, từ trường, sóng âm thanh hoặc chất phóng xạ để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể với mục đích:
- Xác định vị trí ung thư
- Đánh giá mức độ di căn
- Đánh giá hiệu quả điều trị
Sinh thiết
Sinh thiết là một thủ thuật lấy mẫu mô hoặc tế bào ra khỏi cơ thể, sau đó gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra. Sinh thiết giúp bác sĩ xem xét kỹ hơn mẫu mô hoặc tế bào để đánh giá liệu chúng bình thường hay liên quan đến bệnh lý. Quá trình này ít khi thực hiện ở trẻ em mắc bệnh do lượng khối u không đủ để sinh thiết.
Điều trị
Quá trình điều trị u nguyên bào thần kinh phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh và mức độ di căn của khối u.
Trẻ mắc bệnh mức độ nhẹ cần theo dõi thường xuyên đảm bảo khối u không phát triển hoặc có thể phẫu thuật loại bỏ khối u. Trẻ mắc bệnh nghiêm trọng hơn cần điều trị tích cực hơn, bao gồm phẫu thuật cắt bỏ khối u, xạ trị, hóa trị, ghép tủy và liệu pháp miễn dịch.
Dạng di truyền
Hầu hết trường hợp mắc u nguyên bào thần kinh xảy ra đơn lẻ ở những người không có tiền sử bệnh trong gia đình. Trường hợp này do đột biến soma phát sinh trong quá trình sống của người bệnh và không di truyền.
Khoảng 1-2% người mắc bệnh do di truyền trong gia đình theo kiểu trội trên nhiễm sắc thể thường. Do đó, một bản sao của gen trong mỗi tế bào đủ để gây ra bệnh. Người bệnh thừa hưởng đột biến từ cha hoặc mẹ bị bệnh.

Nguồn: U.S. National Library of Medicine
Một số người mang gen đột biến nhưng cần có thêm đột biến soma mới phát triển các triệu chứng của bệnh.
Phòng ngừa
Bệnh di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường, nếu cha hoặc mẹ mắc bệnh, con sinh ra sẽ có 50% khả năng di truyền bệnh. Do đó, để bảo đảm 100% khả năng con không bị bệnh, cha mẹ có thể chọn phương pháp thụ tinh nhân tạo IVF và sàng lọc phôi PGS/PGD. Các thành viên trong gia đình nên khám sức khỏe và tầm soát bệnh định kỳ nếu có thành viên mắc bệnh. Các cặp vợ chồng trước khi mang thai cần tư vấn và xét nghiệm di truyền đảm bảo sinh con khỏe mạnh.
Các tên gọi khác
- NB
References
- Genetic Testing Information. Neuroblastoma, susceptibility to, 2. Retrieved January 31, 2023 from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/gtr/conditions/C2751682/
- Genetic and Rare Diseases Information Center. Neuroblastoma. Retrieved January 31, 2023 from https://rarediseases.info.nih.gov/diseases/7185/neuroblastoma
- Catalog of Genes and Diseases from OMIM. NEUROBLASTOMA, SUSCEPTIBILITY TO, 1. Retrieved January 31, 2023 from https://omim.org/entry/256700
- U.S National Library of Medicine. Neuroblastoma. Retrieved January 31, 2023 from https://medlineplus.gov/genetics/condition/neuroblastoma/
- American Cancer Society. Neuroblastoma. Retrieved January 31, 2023 from https://www.cancer.org/cancer/neuroblastoma/about.html
- Merck Manual (Consumer Version). Neuroblastoma. Retrieved January 31, 2023 from https://www.msdmanuals.com/professional/pediatrics/pediatric-cancers/neuroblastoma
- Mayo Foundation for Medical Education and Research. Neuroblastoma. Retrieved January 31, 2023 from https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/neuroblastoma/symptoms-causes/syc-20351017
- National Caner Institute. Neuroblastoma Treatment (PDQ®)–Patient Version. Retrieved January 31, 2023 from https://www.cancer.gov/types/neuroblastoma/patient/neuroblastoma-treatment-pdq
- National Caner Institute. Neuroblastoma. Retrieved January 31, 2023 from https://www.cancer.gov/publications/dictionaries/cancer-terms/def/neuroblastoma
- National Health Service. Neuroblastoma. Retrieved January 31, 2023 from https://www.nhs.uk/conditions/neuroblastoma/
- Nemours Kidshealth. Neuroblastoma. Retrieved January 31, 2023 from https://kidshealth.org/en/parents/neuroblastoma.html
- National Organization for Rare Disorders. Neuroblastoma. Retrieved January 31, 2023 from https://rarediseases.org/gard-rare-disease/neuroblastoma/