Bệnh thận đa nang
Thận đa nang là một bệnh di truyền tác động lên thận hoặc các cơ quan khác. Một nhóm các túi chứa đầy chất lỏng gọi là nang phát triển trong thận, cản trở khả năng lọc các chất thải ra ngoài. Các nang này phát triển khiến cho thận to lên và có thể dẫn đến suy thận. Nang cũng có thể phát triển trong các cơ quan khác, đặc biệt là trong gan.

Nguồn: U.S. National Library of Medicine

Ảnh: Cơ chế lọc của thận
Nguồn: U.S. National Library of Medicine

Ảnh: Di truyền gen trội – Đột biến mới
Nguồn: U.S. National Library of Medicine
Biểu hiện lâm sàng
Các biến chứng thường gặp của bệnh thận đa nang như huyết áp rất cao, đau lưng hoặc đau bên hông, tiểu ra máu, nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát, sỏi thận và dị dạng van tim. Ngoài ra, những người bị bệnh thận đa nang có nguy cơ bị phình bất thường (chứng phình động mạch) trong một mạch máu lớn được gọi là động mạch chủ hoặc trong các mạch máu ở đáy não. Phình mạch có thể đe dọa tính mạng nếu chúng bị rách hoặc vỡ.
Bệnh thận đa nang có hai dạng chính được phân biệt theo độ tuổi khởi phát thông và hình thức lây truyền qua các gia đình. Bệnh ở thể trội (đôi khi được gọi là ADPKD) xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng thường ở tuổi trưởng thành, mặc dù u nang trong thận thường xuất hiện từ khi mới sinh hoặc thời thơ ấu. Bệnh thận đa nang thể trội có thể được chia thành loại 1 và loại 2, tùy thuộc vào nguyên nhân di truyền. Bệnh thận đa nang (đôi khi được gọi là ARPKD) hiếm hơn nhiều và thường tử vong sớm. Các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng này thường biểu hiện rõ ràng khi mới sinh hoặc trong giai đoạn sơ sinh.
ADPKD
Trẻ em đôi khi có các triệu chứng của ADPKD, nhưng những người mắc bệnh thường không nhận thấy các triệu chứng cho đến khi họ từ 30 đến 50 tuổi. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Đau lưng và bên hông
- Nhức đầu
- Có máu trong nước tiểu
Những người mắc bệnh PKD bị đau thận và cao huyết áp . Các biến chứng khác của ADPKD có thể bao gồm:
- Suy thận / ESRD
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Sỏi thận
- Nang gan
- U nang trong tuyến tụy của bạn
- Van tim bất thường
- Ruột kết
- Chứng phình động mạch não
- Mang thai bị tiền sản giật (thường xuất hiện ở phụ nữ mang thai bị ADPKD và huyết áp cao)
ARPKD
Các dấu hiệu và triệu chứng của ARPKD thường dễ nhận thấy ngay cả trước khi em bé được sinh ra. Phụ nữ mang thai được chăm sóc trước khi sinh, họ được siêu âm thường xuyên và hình ảnh siêu âm có thể cho thấy thận của thai nhi lớn hơn bình thường, đây có thể là dấu hiệu của ARPKD.
Một dấu hiệu khác của ARPKD là thiếu nước ối trong bụng mẹ. Nước ối là chất lỏng bao quanh và bảo vệ em bé trong bụng mẹ. Trong những tháng đầu của thai kỳ, cơ thể mẹ tạo ra nước ối. Vào những tháng giữa đến cuối của thai kỳ, khi thận của bé bắt đầu hoạt động, chúng tạo ra nước ối. Một số trẻ mắc ARPKD có thận bị hư hỏng nặng, ngay cả trước khi sinh, và thận của trẻ không thể tạo đủ nước ối. Hình ảnh siêu âm có thể cho thấy không có đủ nước ối xung quanh em bé.
Nếu một đứa trẻ được sinh ra với ARPKD, các dấu hiệu của bệnh khi sinh ra có thể bao gồm:
- Bụng sưng to
- Huyết áp cao
- Các vấn đề về hô hấp
- Nôn ra sữa mẹ hoặc sữa được cho uống thêm
- Mặt và tay chân của em bé phát triển bất thường
Trẻ bị ARPKD nhẹ có thể không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào, trong khi trẻ mắc ARPKD nặng thường phải đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn. Nhìn chung, bệnh có xu hướng nghiêm trọng nhất ở những trẻ có biểu hiện trước khi được sinh ra. Trẻ sơ sinh bị ARPKD rất nặng có thể chết chỉ vài giờ hoặc vài ngày sau khi sinh. Khoảng 30% trẻ sơ sinh mắc ARPKD tử vong trong tháng đầu tiên. Khoảng 82% trẻ sơ sinh sống sót qua tháng đầu tiên và vẫn có thể sống đên khi 10 tuổi. Trẻ mắc ARPKD cũng có thể có bất kỳ biến chứng nào dưới đây:
- Suy thận trước khi trưởng thành
- Tổn thương gan trở nên tồi tệ hơn theo thời gian
- Huyết áp cao
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
Độ phổ biến
Bệnh thận đa nang khá phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 500.000 người ở Hoa Kỳ. Dạng bệnh ở thể trội thường phổ biến hơn nhiều so với thể lặn. Tỉ lệ mắc bệnh thận đa nang thể trội dao động trong khoảng 1/500 đến 1/ 1.000 trong cộng đồng, trong khi tỉ lệ mắc thể lặn ở khoảng 1/20.000 đến 1/40.000.
Nguyên nhân
Các đột biến trên gen PKD1, PKD2 và PKHD1 gây ra bệnh thận đa nang.
Các đột biến ở gen PKD1 hoặc PKD2 gây ra bệnh thận đa nang thể trội (ADPKD). Đột biến gen PKD1 gây ra ADPKD loại 1 và đột biến gen PKD2 gây ra ADPKD loại 2. Các gen này mang thông tin tổng hợp những protein mà chức năng của chúng chưa biết rõ. Các nhà nghiên cứu tin rằng chúng có liên quan đến việc truyền các tín hiệu hóa học từ bên ngoài tế bào đến nhân tế bào. Hai protein kết hợp với nhau để thúc đẩy sự phát triển, tổ chức và chức năng bình thường của thận. Đột biến trên gen PKD1 hoặc PKD2 làm hình thành hàng ngàn nang, gây gián đoạn các chức năng bình thường của thận và các cơ quan khác. Những người có đột biến ở gen PKD2, đặc biệt là phụ nữ, thường có dạng bệnh ít nghiêm trọng hơn những người có đột biến PKD1. Các dấu hiệu và triệu chứng như suy giảm chức năng thận có xu hướng xuất hiện muộn hơn ở những người bị đột biến PKD2 tại độ tuổi trưởng thành.
Các đột biến trên gen PKHD1 gây ra bệnh thận đa nang thể lặn. Gen này mang thông tin tổng hợp một protein mà người ta hiện vẫn chưa rõ hết chức năng chính xác của nó. Tuy nhiên, protein này có khả năng truyền các tín hiệu hóa học từ bên ngoài tế bào đến nhân tế bào. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được cách thức đột biến gen PKHD1 làm hình thành nhiều u nang gây nên biểu hiện đặc trưng của bệnh thận đa nang.
Mặc dù bệnh thận đa nang đa số do di truyền, nhưng một tỷ lệ nhỏ không phải do đột biến gen. Những trường hợp này được gọi là bệnh thận đa nang mắc phải, xảy ra phổ biến nhất ở những người mắc các loại bệnh thận khác đã được điều trị trong vài năm bằng phương pháp chạy thận nhân tạo.
Chẩn đoán
Nếu có bất kỳ triệu chứng của bệnh, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm sau:
- Siêu âm, chụp CT hay MRI
- Xét nghiệm di truyền
Các phương pháp hình ảnh được thực hiện để tìm các dấu hiệu và có thể nhìn thấy của u nang trong thận. Các xét nghiệm di truyền có thể cho bác sĩ biết chính xác loại bệnh mắc phải hoặc liệu có khả năng phát triển trong tương lai hay không. Có thể mất nhiều ngày để có kết quả xét nghiệm di truyền.
Điều trị
ADPKD
Chưa có cách chữa ADPKD, nhưng một phương pháp điều trị mới đã được chứng minh có khả năng làm chậm sự tiến triển của ADPKD thành suy thận.
Có thể có những cách khác để điều trị các triệu chứng của ADPKD và giúp bệnh nhân cảm thấy tốt hơn. Tham khảo với bác sĩ để biết các cách tốt nhất để kiểm soát tình trạng bệnh.
ARPKD
Hiện tại, ARPKD chưa có cách điều trị, chủ yếu tập trung vào kiểm soát các triệu chứng và điều trị các biến chứng. Tùy thuộc vào các biểu hiện của bệnh, điều trị có thể gồm các cách sau:
- Lọc máu (thường là thẩm phân phúc mạc , nhưng một số trẻ em phải chạy thận nhân tạo)
- Cấy ghép thận
- Dùng hormone tăng trưởng
- Thuốc huyết áp
- Thuốc kháng sinh
- Ghép gan và thận kết hợp
Dạng di truyền
Hầu hết các trường hợp bệnh thận đa nang đều có kiểu di truyền trội. Những người bị bệnh này thường được sinh ra có một bản sao của gen PKD1 hoặc PKD2 bị đột biến trong mỗi tế bào. Trong khoảng 90% các trường hợp này, người bệnh thừa hưởng đột biến từ cha hoặc mẹ cũng bị bệnh này. 10% trường hợp khác là do đột biến mới xuất hiện tại một trong các gen này và xảy ra ở những người không có tiền sử bị bệnh này trong gia đình.

Nguồn: U.S. National Library of Medicine
Mặc dù chỉ cần một bản sao bị đột biến của một trong số các gen này trong mỗi tế bào cũng đủ để gây ra rối loạn này nhưng nếu thêm một đột biến trong bản sao thứ hai của PKD1 hoặc PKD2 gen có thể làm cho u nang phát triển nhanh hơn và tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh. Mức độ u nang to ra và gây mất chức năng thận rất khác nhau và có thể bị ảnh hưởng bởi các đột biến ở các gen khác nhưng chưa được xác định.
Bệnh thận đa nang cũng có thể được di truyền theo gen lặn. Những người mắc dạng tình trạng này mang hai bản sao gen PKHD1 bị đột biến trong mỗi tế bào. Cha mẹ của trẻ bị rối loạn lặn này không bị ảnh hưởng nhưng là người mang một bản sao của gen PKHD1 đã bị đột biến.
Phòng ngừa
Nếu một người bị bệnh thận đa nang di truyền kiểu gen trội, khi sinh con sẽ có 50% khả năng di truyền bệnh. Do đó, để bảo đảm 100% khả năng con không bị bệnh, cha mẹ có thể chọn phương pháp thụ tinh nhân tạo IVF và sàng lọc phôi PGS.
Các tên gọi khác
- PKD
- Bệnh thận đa nang
References
- Genetic Testing Information. Autosomal dominant polycystic kidney disease. October 24, 2020 from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/gtr/conditions/C0085413/
- Catalog of Genes and Diseases from OMIM. POLYCYSTIC KIDNEY DISEASE 1 WITH OR WITHOUT POLYCYSTIC LIVER DISEASE; PKD1. Retrieved October 24, 2020 from https://omim.org/entry/173900
- Genetic and Rare Diseases Information Center. Autosomal dominant polycystic kidney disease. Retrieved October 24, 2020 from https://rarediseases.info.nih.gov/diseases/10413/autosomal-dominant-polycystic-kidney-disease
- U.S National Library of Medicine. Polycystic kidney disease. Retrieved October 24, 2020 from https://medlineplus.gov/ency/article/000502.htm
- U.S National Library of Medicine. Polycystic kidney disease. Retrieved October 24, 2020 from https://medlineplus.gov/genetics/condition/polycystic-kidney-disease/
- National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases. Polycystic Kidney Disease (PKD). Retrieved October 24, 2020 from https://www.niddk.nih.gov/health-information/kidney-disease/polycystic-kidney-disease
- American Academy of Family Physicians. Polycystic Kidney Disease. Retrieved October 24, 2020 from https://familydoctor.org/condition/polycystic-kidney-disease/