Bệnh gút (gout)
Bệnh gút là một dạng viêm khớp gây đau đớn và có khả năng tàn phế đã xuất hiện từ thời cổ đại. Đôi khi nó được gọi là “bệnh của nhà giàu” bởi vì từ lâu người ta đã phát hiện ra mối liên kết với thói quen ăn uống và rượu bia quá mức của những người nhiều tiền. Trên thực tế, bệnh gút có thể xảy ra với bất kỳ ai tùy theo yếu tố nguy cơ.
Axit uric là một chất sinh ra từ quá trình phân hủy (chuyển hóa) purin, một loại protein được tìm thấy trong các mô của con người và trong nhiều loại thực phẩm. Bệnh gút do nồng độ axit uric trong máu tăng cao, bắt nguồn từ cơ thể tăng sản xuất axit uric hoặc thận giảm bài tiết axit uric. Axit uric dư thừa sẽ lắng đọng dưới dạng các tinh thể hình kim trong sụn và mô xung quanh khớp, trong da và thận. Những tinh thể này gây ra viêm, cuối cùng có thể dẫn đến phá hủy khớp, tạo ra các nốt tophi hoặc sỏi thận.
Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm cộng với thay đổi lối sống, bệnh gút có thể được kiểm soát. Nhiều người tránh được các đợt bùng phát gút và giảm mức độ nghiêm trọng, thậm chí có thể khỏi bệnh.
Biểu hiện lâm sàng
Bệnh gút có thể chuyển biến qua một số giai đoạn:
- Tăng axit uric máu khi nồng độ urat trong máu cao và các tinh thể hình thành trong khớp nhưng chưa không có triệu chứng
- Gút bùng phát khi xuất hiện cơn đau dữ dội và sưng khớp.
- Gút gián đoạn hoặc giữa các đợt là khoảng thời gian giữa các cơn gút khi không có bất kỳ triệu chứng nào.
- Tophi là một giai đoạn muộn của bệnh gút khi các tinh thể tích tụ trên da hoặc các vùng khác của cơ thể. Tùy thuộc vào vị trí, hạt tophi có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho khớp và các cơ quan nội tạng khác như thận. Điều trị thích hợp có thể ngăn chặn hạt tophi phát triển.
Ở những người bị bệnh gút, đợt viêm đầu tiên (được gọi là đợt bùng phát) thường ảnh hưởng đến ngón chân cái hoặc các khớp khác ở bàn chân hoặc mắt cá chân. Nếu nồng độ urat vẫn cao, những cơn đau có thể tái phát, ảnh hưởng đến các khớp khác trên toàn cơ thể. Thời gian giữa các đợt bùng phát khác nhau ở từng trường hợp, tuy nhiên, hầu hết người bệnh đều có lần thứ hai trong vòng một năm kể từ lần đầu tiên.
Cơn đau thường bùng phát vào ban đêm và có thể kéo dài vài ngày. Người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến cơn đau dừng lại, có thể do cơ thể tắt phản ứng viêm sau một thời gian nhất định. Trong thời gian bùng phát, bệnh nhân cảm thấy đau nhói hoặc đau rát, sưng, nóng, đỏ và khó cử động khớp tại vị trí bị ảnh hưởng. Sau đó, người bệnh có thể bị sốt, da ở khớp bắt đầu bong tróc. Nếu không điều trị, người bệnh có thể bị bùng phát thường xuyên, đau và tổn thương khớp, hạn chế khả năng vận động và giảm chất lượng cuộc sống.
Các vùng trên cơ thể có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh gút bao gồm:
- Các khớp
- Túi đệm giữa xương và các mô mềm
- Bao gân, màng bao quanh gân
- Thận vì nồng độ axit uric cao có thể dẫn đến sỏi và đôi khi là tổn thương thận
Khoảng 15% người bệnh gút có urat tích tụ trong thận, thành sỏi thận. Khi diễn biến tồi tệ hơn, các tinh thể urat có thể lắng đọng dưới da hoặc trong các mô mềm khác tạo thành nốt tophi, thường hình thành ở bàn tay, khuỷu tay hoặc bàn chân. Tophi thường không gây đau, nhưng chúng có thể bị viêm, nhiễm trùng hoặc chảy dịch. Tùy thuộc vào vị trí, nốt tophi có thể cản trở cử động như đi bộ hoặc cầm nắm đồ vật.
Nhiều người bệnh gút cũng có các bệnh lý phổ biến khác như huyết áp cao (tăng huyết áp), bệnh thận mãn tính hoặc béo phì. Một số còn mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim hoặc tiền sử đột quỵ. Chưa rõ liệu bệnh gút có phải là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc các bệnh này hay liệu các bệnh này dẫn đến bệnh gút, hoặc cả hai đều có ảnh hưởng đến bệnh.
Độ phổ biến
Bệnh gút có thể ảnh hưởng đến mọi người thuộc mọi chủng tộc, mọi lứa tuổi và giới tính, tuy nhiên bệnh không phổ biến ở trẻ em và thanh niên. Ngoài ra, nam giới có nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn nhiều so với phụ nữ trước khi mãn kinh.
Một số trường hợp bị bệnh gút có yếu tố di truyền do rối loạn chuyển hóa purin. Ở những người này, các cơn đau gút được kích hoạt khi ăn thực phẩm chứa nhiều purin hoặc do uống nhiều rượu.
Những người khác bị bệnh gút thứ phát, khi bệnh gút phát triển do một tình trạng bệnh lý khác, bao gồm:
- Béo phì
- Các bệnh về máu bao gồm bệnh bạch cầu, bệnh đa hồng cầu và thiếu máu tán huyết
- Tiểu đường
- Cao huyết áp
- Bệnh thận
- Một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, salicylat (aspirin) hoặc niacin (vitamin B-3)
- Phơi nhiễm chì mãn tính
Nguyên nhân
Bệnh gút gây ra bởi sự kết hợp của yếu tố di truyền và môi trường sống. Một số nguy cơ gây bệnh đã được nghiên cứu xác nhận, trong khi những yếu tố khác vẫn chưa rõ ràng. Tăng axit uric máu là nguy cơ chủ yếu dẫn đến bệnh gút với tỉ lệ khoảng 1/4 số người tăng axit uric sẽ phát bệnh. Hiện chưa rõ tại sao những người bị tăng axit uric còn lại không bị bệnh gút.
Các nghiên cứu lớn đã xác định được hàng chục gen có liên quan đến bệnh gút. Nhiều thay đổi di truyền với các tác động nhỏ, có khả năng kết hợp làm tăng nguy cơ phát bệnh. Hầu hết các gen đã biết đều có vai trò vận chuyển urat sinh ra từ các quá trình sinh hóa bình thường. Nhiều gen liên quan đến bệnh gút có chức năng giải phóng urat vào nước tiểu nếu nồng độ quá cao hoặc tái hấp thu trở lại máu theo nhu cầu của cơ thể. Các gen liên kết khác có liên quan đến quá trình vận chuyển hoặc phân hủy đường hoặc vận chuyển các phân tử nhỏ khác. Vai trò của một số gen liên quan vẫn chưa rõ ràng. Trong số tất cả các gen đã được nghiên cứu, gen SLC2A9 và ABCG2 dường như có ảnh hưởng lớn nhất đến mức urat.
Gen SLC2A9 cung cấp các hướng dẫn để tạo ra một loại protein chủ yếu có trong thận, nơi nó đảm nhiệm vai trò quản lý mức độ urat của cơ thể. Protein này giúp tái hấp thu urat vào máu hoặc thải ra nước tiểu. Những thay đổi di truyền trên gen SLC2A9 có thể làm tăng tái hấp thu urat vào máu và giảm thải ra nước tiểu, dẫn đến tăng axit uric máu.
Gen ABCG2 cung cấp các hướng dẫn để tạo ra một loại protein giúp giải phóng urat vào ruột rồi loại bỏ ra khỏi cơ thể. Đột biến trên gen ABCG2 có thể làm protein giảm khả năng giải phóng urat vào ruột, dẫn đến tăng axit uric máu.
Các yếu tố không phải di truyền cũng tham gia gây bệnh, chủ yếu bằng cách tăng nồng độ urat trong cơ thể, từ đó kích hoạt các cơn bùng phát. Tiêu thụ thực phẩm và đồ uống chứa nhiều purin như thịt đỏ, hải sản, đậu khô, rượu và nước giải khát có thể dẫn đến tăng urat. Khi nhân purin bị phá vỡ tạo ra urat, nồng độ axit uric máu tăng lên dẫn đến bệnh gút ở một số người. Nguy cơ mắc bệnh gút cũng tăng lên theo tuổi tác, đặc biệt phụ nữ sau khi mãn kinh. Ở phụ nữ, hormone estrogen đóng vai trò loại bỏ urat khỏi cơ thể, sau thời kỳ mãn kinh sản xuất estrogen suy giảm, do đó phụ nữ lớn tuổi có mức urat tăng, dẫn đến nguy cơ phát triển bệnh gút.
Chẩn đoán
Một số loại viêm khớp khác có biểu hiện giống bệnh gút, do đó chẩn đúng bệnh rất quan trọng. Lúc đầu, các cơn gút có thể bắt đầu vào ban đêm. Các cơn đau cấp tính thường xuất hiện sau giai đoạn không có triệu chứng. Bên cạnh vị trí phổ biến tại khớp, các tinh thể urat có thể hình thành nốt tophi hoặc các khối sưng tấy dưới da, thường nằm trên khớp hoặc trên tai ngoài. Các tinh thể urat và hạt tophi có thể làm hỏng khớp theo thời gian.
Bệnh gút thường được chẩn đoán khi tìm thấy các tinh thể axit uric. Bác sĩ sử dụng kim hút chất lỏng từ khớp bị sưng viêm rồi nghiên cứu dưới kính hiển vi để tìm tinh thể urat. Tinh thể cũng có thể được tìm thấy trong các chất lắng đọng (tophi) xuất hiện dưới da. Các nốt tophi xuất hiện khi bệnh gút tiến triển.
Bệnh gút cũng có thể được chẩn đoán dựa trên mô hình liên quan đến khớp, các triệu chứng đặc trưng, diễn biến thời gian, xét nghiệm máu axit uric và các xét nghiệm hình ảnh nâng cao.
Đo nồng độ axit uric trong máu rất quan trọng nhưng đôi khi có thể gây hiểu nhầm, đặc biệt nếu đo vào thời điểm lên cơn cấp tính. Mức độ axit uric có thể bình thường trong thời gian ngắn hoặc thậm chí thấp trong khi cơn đau diễn ra. Ngay cả những người không bị bệnh gút cũng có thể bị tăng axit uric.
Chụp X-quang có thể cho thấy tổn thương khớp do bệnh gút gây ra trong thời gian dài. Siêu âm và chụp CT năng lượng kép có thể cho thấy các dấu hiệu ban đầu liên quan đến khớp gút.
Điều trị
Cấp tính
Colchicine là một phương pháp điều trị hiệu quả cơn bùng phát bệnh gút nếu được sử dụng sớm khi bắt đầu có triệu chứng. Tuy nhiên, colchicine có thể gây buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy và các tác dụng phụ khác. Liều thấp có thể ít tác dụng phụ hơn. Bệnh nhân bị bệnh thận hoặc gan, hoặc những người uống thuốc tương tác (cản trở) colchicine phải dùng liều thấp hơn hoặc sử dụng các loại thuốc khác. Colchicine cũng có vai trò quan trọng trong ngăn ngừa các cơn gút.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là thuốc giống aspirin có thể làm giảm viêm và đau ở khớp hay các mô khác. NSAID như indomethacin (Indocin) và naproxen (Naprosyn) đã trở thành lựa chọn điều trị cho hầu hết các cơn gút cấp. Các loại NSAID có hiệu quả gần như tương đương nhau. Liều NSAID cao có tác dụng ngắn và giảm nhanh các triệu chứng. Những loại thuốc này có thể gây đau bụng, loét hoặc tiêu chảy nhưng hầu hết mọi người dung nạp tốt khi sử dụng trong thời gian ngắn. Một số người không thể dùng NSAID vì bệnh lý như bệnh loét hoặc suy giảm chức năng thận hoặc sử dụng thuốc làm loãng máu.
Ở những bệnh nhân gút mãn tính, tinh thể axit uric lắng đọng trong các hạt tophi có thể làm tổn thương khớp và xuất hiện dưới da. Corticosteroid như prednisone, methylprednisolone và triamcinolone thích hợp cho những bệnh nhân không thể dùng NSAID. Thuốc dùng bằng đường uống hoặc tiêm, có thể rất hiệu quả điều trị các cơn gút. Nếu chỉ đau ở một hoặc hai khớp, bác sĩ có thể tiêm corticosteroid trực tiếp vào khớp.
Một số biện pháp tại nhà có thể làm dịu cơn đau gút và giảm các cơn bùng phát. Các sản phẩm từ anh đào như anh đào nguyên quả hoặc nước ép anh đào không đường có thể làm giảm bùng phát bệnh gút. Một ly sữa tách béo hàng ngày cũng có thể giúp giảm axit uric theo thời gian. Khi bị đau, hãy chườm đá hoặc gạc lạnh (vải ngâm trong nước đá và vắt ra) vào chỗ đau.
Loại bỏ axit uric dư thừa
Những bệnh nhân bị tái phát nhiều lần, có nồng độ axit uric trong máu cao bất thường, có hạt tophi hoặc sỏi thận nên cân nhắc các loại thuốc giảm nồng độ axit uric trong máu. Những loại thuốc này không giảm cơn đau gút cấp, vì vậy bệnh nhân nên bắt đầu dùng sau khi cơn cấp tính lắng dịu. Thuốc allopurinol (Lopurin, Zyloprim) ngăn chặn sản xuất axit uric. Febuxostat (Uloric) là một loại thuốc mới hơn, cũng ngăn chặn axit uric.
Probenecid (Benemid) và Lesinurad (Zurampic) giúp thận loại bỏ axit uric. Chỉ những bệnh nhân có chức năng thận tốt, không sản xuất quá nhiều axit uric mới nên dùng.
Pegloticase (Krystexxa) dành cho những bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác hoặc không thể dung nạp thuốc. Các loại thuốc mới để giảm nồng độ axit uric và điều trị viêm do gút đang được phát triển.
Các đợt gút bùng phát có thể xảy ra khi bệnh nhân mới bắt đầu sử dụng thuốc làm giảm nồng độ axit uric trong máu. Có thể ngăn ngừa bùng phát khi kết hợp sử dụng cả colchicine hoặc NSAID liều thấp. Thông thường, bác sĩ khuyên bệnh nhân nên tiếp tục dùng colchicine liều thấp cùng với thuốc hạ axit uric trong ít nhất sáu tháng.
Nếu bệnh nhân đang dùng thuốc hạ axit uric, bác sĩ sẽ tăng liều từ từ và tiếp tục kiểm tra nồng độ axit uric trong máu. Khi nồng độ axit uric giảm xuống dưới 6 mg/dL (bình thường), các tinh thể có xu hướng hòa tan và ngăn chặn tinh thể mới lắng đọng. Người bệnh có thể phải dùng thuốc lâu dài để ngăn ngừa các cơn gút.
Điều gì hiệu quả với người này có thể không hiệu quả với người khác. Do đó, quyết định thời điểm bắt đầu điều trị và loại thuốc sử dụng phù hợp với từng bệnh nhân. Lựa chọn điều trị phụ thuộc vào chức năng thận, các vấn đề sức khỏe, sở thích cá nhân và các yếu tố khác.
Những gì bệnh nhân ăn có thể làm tăng nồng độ axit uric. Do đó, nên hạn chế đồ uống có nhiều đường fructose như soda hay nước ngọt. Uống rượu quá mức, đặc biệt là bia, có thể gây ra bệnh gút. Cắt giảm rượu. Hạn chế thực phẩm giàu purin có nhiều trong thịt và một số loại hải sản. Nghiên cứu mới đã phát hiện ra chất purin trong rau dường như an toàn. Các sản phẩm sữa ít béo có thể giúp giảm nồng độ axit uric.
Trong hầu hết các trường hợp, có thể điều trị thành công bệnh gút và chấm dứt dần các cơn đau. Điều trị cũng có thể làm giảm số lượng và kích thước hạt tophi (các tinh thể axit uric lắng đọng thành).
Dạng di truyền
Cơ chế di truyền của bệnh gút không rõ ràng vì liên quan đến cả yếu tố di truyền và môi trường. Tuy nhiên, nếu tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh gút, nguy cơ phát triển bệnh của một cá nhân sẽ tăng lên.
Phòng ngừa
Có thể thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát bệnh gút như sau:
- Giảm cân giúp giảm nồng độ urat và ngăn chặn hoặc giảm số cơn bùng phát nếu người bệnh thừa cân hoặc béo phì.
- Hạn chế bia rượu kể cả bia không cồn.
- Tránh đồ uống có nhiều fructose như soda hay nước ngọt có gas.
- Tránh các loại thịt đỏ và nội tạng như gan, thận, lưỡi và bánh mì ngọt.
- Tránh hải sản như tôm và tôm hùm, cá mòi và cá cơm.
- Chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt cũng như các sản phẩm từ sữa, thịt gia cầm và dầu ít béo hoặc không có chất béo.
- Hạn chế chất béo bão hòa cũng như thức ăn và đồ uống có đường.
Khi bị bùng phát bệnh gút, có thể giảm triệu chứng bằng cách:
- Chườm đá lên vùng bị đau
- Nâng cao chi bị ảnh hưởng
- Cho các khớp bị ảnh hưởng được nghỉ ngơi
Các tên gọi khác
- Viêm khớp, bệnh gút
- Bệnh gút khớp
- Viêm khớp gút
- Bệnh khớp gút
Tài liệu tham khảo
- Catalog of Genes and Diseases from OMIM. URIC ACID CONCENTRATION, SERUM, QUANTITATIVE TRAIT LOCUS 1; UAQTL1. Retrieved October 30, 2021 from https://omim.org/entry/138900
- U.S National Library of Medicine. Gout. Retrieved October 30, 2021 from https://medlineplus.gov/gout.html
- U.S National Library of Medicine. Gout. Retrieved October 30, 2021 from https://medlineplus.gov/genetics/condition/gout/
- National Institute of Arthritis and Musculoskeletal and Skin Diseases. Gout. Retrieved October 30, 2021 from https://www.niams.nih.gov/health-topics/gout
- American College of Rheumatology. Gout. Retrieved October 30, 2021 from https://www.rheumatology.org/I-Am-A/Patient-Caregiver/Diseases-Conditions/Gout
- Skinsight. Gout. Retrieved October 30, 2021 from http://www.skinsight.com/skin-conditions/adult/gout