Thai vô sọ
Thai vô sọ (anencephaly) là dạng dị tật bẩm sinh nặng thuộc nhóm dị tật ống thần kinh. Khi phôi phát triển, ống thần kinh sẽ đóng lại, não và hộp sọ được hình thành từ phần trên của ống. Phần dưới của ống phát triển thành tủy sống và xương sống. Bệnh xảy ra khi phần trên ống thần kinh không thể đóng lại khiến não và tủy sống tiếp xúc với nước ối trong tử cung làm các mô của hệ thần kinh bị thoái hóa. Thai vô sọ do nhiều nguyên nhân gây ra như di truyền, môi trường hoặc chế độ dinh dưỡng của mẹ trong thai kỳ.
Biểu hiện lâm sàng
Trẻ mắc bệnh thiếu phần lớn đại não và tiểu não. Những vùng não này chịu trách nhiệm cho khả năng suy nghĩ, thính giác, thị giác, cảm xúc và phối hợp vận động. Xương sọ của trẻ hình thành không hoàn chỉnh.

Nguồn: National Institutes of Health
Những khuyết tật thần kinh thường nghiêm trọng, do đó phần lớn trẻ sơ sinh mắc bệnh tử vong trước sinh hoặc vài ngày sau sinh.
Độ phổ biến
Thai vô sọ là dạng khuyết tật ống thần kinh thường gặp, tỷ lệ mắc bệnh chung khoảng 1/1.000 ca mang thai. Tuy nhiên, hầu hết trường hợp thai nhi mắc bệnh bị sảy thai. Do đó, tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ sơ sinh thấp hơn tỷ lệ mắc bệnh chung. Tại Hoa Kỳ, 4600 trẻ sơ sinh có khoảng 1 trẻ bị thai vô sọ. Ngoài ra, Mexico, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Quần đảo Anh có tỷ lệ mắc bệnh cao.
Nguyên nhân
Thai vô sọ gây ra bởi yếu tố di truyền phối hợp với các điều kiện môi trường. Một số yếu tố đã được xác định nhưng phần lớn vẫn chưa được biết.
Trong thời kỳ mang thai nhu cầu axit folic tăng lên vì cơ thể của bé cũng cần axit folic. Axit folic giúp não và tủy sống của bé phát triển bình thường. Bổ sung axit folic có thể làm giảm đáng kể nguy cơ khuyết tật ống thần kinh ở phôi thai.
Các yếu tố nguy cơ khác của phụ nữ mang thai làm tăng nguy cơ mắc bệnh về não cho trẻ bao gồm:
- Tiểu đường
- Béo phì
- Tiếp xúc với nhiệt độ cao (sốt, sử dụng bồn nước nóng, phòng tắm hơi
- Sử dụng một số loại thuốc chống động kinh
Ngoài ra, người ta đã nghiên cứu hàng chục gen liên quan đến bệnh, trong đó MTHFR được nghiên cứu rõ nhất. Gen MTHFR cung cấp hướng dẫn tạo ra protein tham gia vào quá trình chuyển hóa folate (vitamin B9). Đột biến gen MTHFR dẫn đến thiếu folate, từ đó làm tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh của thai nhi. Một số gen khác liên quan đến quá trình hình thành não bộ cũng là nguy cơ tiềm ẩn gây ra bệnh. Tuy nhiên, người ta chưa xác định chính xác gen nào trực tiếp gây ra bệnh.
Chẩn đoán
Trước sinh
Bệnh có thể được chẩn đoán sớm trong ba tháng đầu của thai kỳ. Tuy nhiên, do các cơ quan chưa phát triển đầy đủ khiến quá trình chẩn đoán có thể kéo dài đến ba tháng tiếp theo. Bác sĩ sẽ kiểm tra sự hiện diện của hộp sọ thông qua kết quả siêu âm. Ngoài ra, phụ nữ mamg thai cần thực hiện thêm xét nghiệm nồng độ alpha-fetoprotein trong máu hoặc dịch ối.
Sau sinh
Giai đoạn này, bệnh được chẩn đoán dựa trên quan sát hình thái. Trẻ mắc bệnh có hình dạng đặc trưng bao gồm không có vòm sọ và da đầu, xuất hiện khối huyết hoặc xơ bên ngoài, thiếu bán cầu não.
Điều trị
Hiện nay chưa có phương pháp điều trị thai vô sọ. Phần lớn trẻ mắc bệnh chết trước hoặc vài giờ sau sinh. Trường hợp thai nhi mắc bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định chấm dứt thai kỳ.
Dạng di truyền
Phần lớn trường hợp thai vô sọ xảy ra đơn lẻ. Trẻ bị bệnh không có tiền sử mắc bệnh trong gia đình. Một tỷ lệ nhỏ các trường hợp được ghi nhận do di truyền nhưng cơ chế vẫn chưa rõ ràng. Cha mẹ có con bị bệnh về não, nguy cơ sinh đứa con tiếp theo bị thai vô sọ tăng hơn so với trẻ bình thường.
Phòng ngừa
Phụ nữ nên bổ sung đủ axit folic trước và trong thời kỳ mang thai giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh. Trường hợp từng sinh con mắc thai vô sọ, thai phụ cần được tư vấn di truyền và theo dõi thai kỳ chặt chẽ.
Xem thêm: Xem Phòng ngừa dị tật ống thần kinh
Các tên gọi khác
- Anencephalia
- Anencephalus
- Aprosencephaly
- Congenital absence of brain
Tài liệu tham khảo
- Genetic Testing Information. Anencephaly. Retrieved February 15, 2023 from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/gtr/conditions/C0002902/
- Genetic and Rare Diseases Information Center. Anencephaly. Retrieved February 15, 2023 from https://rarediseases.info.nih.gov/diseases/5808/anencephaly
- Catalog of Genes and Diseases from OMIM. ANENCEPHALY 1. Retrieved February 15, 2023 from https://omim.org/entry/206500
- U.S National Library of Medicine. Anencephaly. Retrieved February 15, 2023 from https://medlineplus.gov/genetics/condition/anencephaly/
- Boston Children's Hospital. Anencephaly. Retrieved February 15, 2023 from https://www.childrenshospital.org/conditions/anencephaly
- Centers for Disease Control and Prevention. Anencephaly. Retrieved February 15, 2023 from https://www.cdc.gov/ncbddd/birthdefects/anencephaly.html
- Cleveland Clinic. Anencephaly. Retrieved February 15, 2023 from https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15032-anencephaly
- National Institute of Neurological Disorders and Stroke. Anencephaly. Retrieved February 15, 2023 from https://www.ninds.nih.gov/health-information/disorders/anencephaly
- National Organization for Rare Disorders. Anencephaly. Retrieved February 15, 2023 from https://rarediseases.org/rare-diseases/anencephaly/?filter=ovr-ds-resources
- Fetal Health Foundation. Anencephaly. Retrieved February 15, 2023 from https://www.fetalhealthfoundation.org/fetal-syndromes/anencephaly/