Hội chứng Nakajo-Nishimura
Hội chứng Nakajo-Nishimura (Nakajo-Nishimura syndrome) là bệnh di truyền xảy ra do rối loạn hoạt động của hệ miễn dịch. Bệnh chỉ được ghi nhận trong quần thể người Nhật Bản.
Biểu hiện lâm sàng
Triệu chứng của bệnh khởi phát từ giai đoạn trẻ nhỏ. Trẻ mắc bệnh phát triển nhiều nốt ban đỏ trên da, thường gặp khi thời tiết lạnh hoặc sốt tái phát. Trẻ có ngón tay, ngón chân dài với đầu ngón to tròn. Khi trẻ lớn hơn, các khớp bị biến dạng dẫn đến co cứng gây đau và hạn chế phạm vi cử động. Triệu chứng thường gặp trên bàn tay, cổ tay và khuỷu tay. Người bệnh còn bị suy nhược, teo cơ và chứng loạn dưỡng mỡ gây mất mô mỡ phần trên của cơ thể. Giảm cơ kèm theo mất mỡ tiến triển nghiêm trọng khiến mặt, ngực và cánh tay của bệnh nhân gầy guộc.
Các dấu hiệu và triệu chứng khác của hội chứng Nakajo-Nishimura bao gồm:
- Gan và lách to
- Thiếu tế bào hồng cầu
- Giảm tiểu cầu
Ngoài ra, hội chứng còn gây lắng đọng canxi bất thường (vôi hóa) tại hạch nền trong mô não. Do đó, một số trường hợp mắc bệnh có biểu hiện thiểu năng trí tuệ.
Hội chứng Nakajo-Nishimura có những biểu hiện trùng lặp với hai bệnh khác:
- Hội chứng JMP: bệnh cứng khớp, teo cơ, thiếu tế bào hồng cầu nhỏ và chứng loạn dưỡng mỡ do viêm mô mỡ dưới da.
- Hội chứng CANDLE: bệnh da liễu, tăng bạch cầu trung tính không điển hình mãn tính với chứng rối loạn phân bố mỡ và tăng nhiệt độ.
Cả ba bệnh đều có biểu hiện đặc trưng gồm bất thường trên da và rối loạn phân bố mỡ. Chúng được phân loại thành ba hội chứng riêng biệt nhưng đều do đột biến trên cùng một gen gây ra. Người ta cho rằng đây là những biểu hiện khác nhau của cùng một hội chứng.
Độ phổ biến
Hội chứng Nakajo-Nishimura là bệnh di truyền hiếm gặp và chỉ được ghi nhận trong quần thể Nhật Bản. Khoảng 30 trường hợp đã được phát hiện.
Nguyên nhân
Đột biến gen PSMB8 gây ra hội chứng Nakajo-Nishimura. Gen PSMB8 cung cấp hướng dẫn tạo ra tiểu đơn vị của immunoproteasome - cấu trúc tế bào chuyên biệt hiện diện chủ yếu trong hệ miễn dịch. Immunoproteasome giúp hệ miễn dịch phân biệt protein của cơ thể với protein lạ, từ đó cơ thể có phản ứng thích hợp.
Đột biến gen PSMB8 làm suy giảm số lượng protein PSMB8 dẫn đến cản trở quá trình tổng hợp immunoproteasome. Do đó, hệ miễn dịch bị rối loạn hoạt động rồi gây ra tình trạng viêm bất thường làm hỏng các mô và cơ quan của cơ thể . Vì vậy hội chứng Nakajo-Nishimura được phân loại thuộc nhóm rối loạn tự viêm.
Phản ứng viêm bất thường có thể là nguyên nhân chính làm khởi phát biểu hiện lâm sàng của hội chứng Nakajo-Nishimura, bao gồm ban đỏ dạng nốt, sốt tái phát, các vấn đề về khớp và gan lách to. Đột biến gen PSMB8 làm teo cơ và loạn dưỡng mỡ nhưng cơ chế chưa rõ ràng. Người ta cho rằng protein PSMB8 ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành và chức năng của các tế bào mỡ.
Chẩn đoán
Tại Nhật Bản, chẩn đoán lâm sàng được thiết lập khi có năm triệu chứng đặc trưng trở lên, bao gồm:
- Phát ban đỏ dạng nốt trên da
- Ngón tay dùi trống
- Sốt định kỳ
- Gan lách to
- Vôi hóa hạch nền
- Phân bố mỡ bất thường
- Các vấn đề về xương khớp
Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm bổ sung như sinh thiết da, nồng độ protein phản ứng C (CRP) trong huyết thanh tăng, gamma-globulin máu tăng hoặc xét nghiệm di truyền tìm đột biến gen PSMB8 gây bệnh.
Điều trị
Hiện nay chưa có phương pháp điều trị hoàn toàn hội chứng Nakajo-Nishimura. Tuy nhiên, một số liệu pháp hỗ trợ làm giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Sốt và tổn thương da đáp ứng tốt với thuốc steroid toàn thân nhưng thường tái phát sau khi giảm liều. Người bệnh cần thăm khám bệnh định kỳ để đánh giá hiệu quả điều trị và điều chỉnh liều phù hợp.
Dạng di truyền
Hội chứng Nakajo-Nishimura di truyền theo kiểu lặn trên nhiễm sắc thể thường. Do đó, bệnh chỉ biểu hiện khi có cả hai bản sao của gen đột biến trong mỗi tế bào. Bệnh nhân mắc bệnh lặn trên nhiễm sắc thể thường sẽ có bố và mẹ mang một bản sao của gen đột biến, nhưng bố mẹ ít khi biểu hiện triệu chứng bệnh.

Nguồn: U.S. National Library of Medicine
Phòng ngừa
Bệnh di truyền lặn do đột biến gen PSMB8, cha mẹ mang đột biến dị hợp nên gần như không có biểu hiện bệnh, do đó rất khó phát hiện cho đến khi sinh con. Để chủ động phòng ngừa, cha mẹ nên làm xét nghiệm sàng lọc gen lặn để chủ động cho tương lai của con. Các cặp vợ chồng trước khi mang thai cần tư vấn và xét nghiệm di truyền đảm bảo sinh con khỏe mạnh. Người thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh cần khám sức khỏe và tầm soát bệnh định kỳ.
Các tên gọi khác
- ALDD
- Autoinflammation, lipodystrophy, and dermatosis syndrome
- Japanese autoinflammatory syndrome with lipodystrophy
- JASL
- Nakajo syndrome
- NKJO
References
- Genetic Testing Information. Proteasome-associated autoinflammatory syndrome 1. Retrieved April 27, 2023 from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/gtr/conditions/C4746851/
- Genetic and Rare Diseases Information Center. Nakajo Nishimura syndrome. Retrieved April 27, 2023 from https://rarediseases.info.nih.gov/diseases/3916/nakajo-nishimura-syndrome
- Catalog of Genes and Diseases from OMIM. PROTEASOME-ASSOCIATED AUTOINFLAMMATORY SYNDROME 1. Retrieved April 27, 2023 from https://omim.org/entry/256040
- U.S National Library of Medicine. Nakajo-Nishimura syndrome. Retrieved April 27, 2023 from https://medlineplus.gov/genetics/condition/nakajo-nishimura-syndrome/
- National Organization for Rare Disorders. Nakajo-Nishimura syndrome. Retrieved April 27, 2023 from https://rarediseases.org/gard-rare-disease/nakajo-nishimura-syndrome/
- Orphanet. Proteasome-associated autoinflammatory syndrome. Retrieved April 27, 2023 from https://www.orpha.net/consor/cgi-bin/OC_Exp.php?lng=EN&Expert=324977
- Arima K, Kinoshita A, Mishima H, Kanazawa N, Kaneko T, Mizushima T, Ichinose K, Nakamura H, Tsujino A, Kawakami A, Matsunaka M, Kasagi S, Kawano S, Kumagai S, Ohmura K, Mimori T, Hirano M, Ueno S, Tanaka K, Tanaka M, Toyoshima I, Sugino H, Yamakawa A, Tanaka K, Niikawa N, Furukawa F, Murata S, Eguchi K, Ida H, Yoshiura K. Proteasome assembly defect due to a proteasome subunit beta type 8 (PSMB8) mutation causes the autoinflammatory disorder, Nakajo-Nishimura syndrome. Proc Natl Acad Sci U S A. 2011 Sep 6;108(36):14914-9. doi: 10.1073/pnas.1106015108
- Kitamura A, Maekawa Y, Uehara H, Izumi K, Kawachi I, Nishizawa M, Toyoshima Y, Takahashi H, Standley DM, Tanaka K, Hamazaki J, Murata S, Obara K, Toyoshima I, Yasutomo K. A mutation in the immunoproteasome subunit PSMB8 causes autoinflammation and lipodystrophy in humans. J Clin Invest. 2011 Oct;121(10):4150-60. doi: 10.1172/JCI58414
- Kunimoto K, Kimura A, Uede K, Okuda M, Aoyagi N, Furukawa F, Kanazawa N. A new infant case of Nakajo-Nishimura syndrome with a genetic mutation in the immunoproteasome subunit: an overlapping entity with JMP and CANDLE syndrome related to PSMB8 mutations. Dermatology. 2013;227(1):26-30. doi: 10.1159/000351323