Hội chứng Fraser
Hội chứng Fraser (Fraser syndrome) là rối loạn hiếm gặp ảnh hưởng đến giai đoạn phát triển từ trước khi sinh. Hội chứng được đặt theo tên của nhà di truyền học người Canada George R. Fraser, người đầu tiên mô tả hội chứng này vào năm 1962. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, bệnh có thể gây hiện tượng thai lưu hoặc người bệnh sống đến tuổi trưởng thành.
Biểu hiện lâm sàng
Hội chứng Fraser ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trên cơ thể. Mỗi người bệnh biểu hiện triệu chứng khác nhau.
Mắt
Dị tật đường mí mắt (cryptophthalmos) là bất thường phổ biến nhất của hội chứng Fraser. Cả hai mắt bị da che phủ hoàn toàn, một số trường hợp, chỉ có một mắt bị che hoặc da che một phần của mắt.
Một số dị tật khác của mắt như:
- Nhãn cầu dính liền với lớp da bao phủ
- Nhãn cầu nhỏ
- Không có nhãn cầu
- Thiếu lông mày hoặc lông mi
- Một mảng tóc kéo dài từ chân tóc bên cạnh đến lông mày
Các chi
Phần lớn người bệnh thường mắc phải dị tật dính da giữa các ngón tay và ngón chân.
Cơ quan sinh dục
Người bệnh có những bất thường ở cơ quan sinh dục, ví dụ như:
- Âm vật mở rộng (nữ giới)
- Tinh hoàn ẩn (nam giới)
- Cơ quan sinh dục ngoài không rõ ràng
Mô và cơ quan khác
Các dấu hiệu và triệu chứng khác, bao gồm:
- Dị tật tim
- Thanh quản bất thường
- Khuôn mặt dị biệt (sứt môi , hở hàm ếch )
- Dị tật đầu nhỏ

Ảnh: Sứt môi
Nguồn: Centers for Disease Control and Prevention

Ảnh: Hở hàm ếch
Nguồn: U.S National Library of Medicine

Ảnh: Tật đầu nhỏ
Nguồn: Centers for Disease Control and Prevention
Một số trường hợp bị bất sản thận ở một hoặc cả hai bên. Các cấu trúc khác của thận và đường tiết niệu cũng có thể bị ảnh hưởng.
Độ phổ biến
Tỷ lệ mắc hội chứng Fraser ước tính 1/200.000 trẻ sơ sinh. Ngoài ra, khoảng 1/10.000 thai nhi không sống sót đến khi sinh.
Nguyên nhân
Đột biến một trong các gen FRAS1, FREM2 và GRIP1 gây ra hội chứng Fraser. Trong đó, khoảng 50% trường hợp mắc hội chứng Fraser do đột biến gen FRAS1. Đột biến gen FREM2 và GRIP1 được tìm thấy trong một tỷ lệ nhỏ các trường hợp khác.
Các gen FRAS1 và FREM2 cung cấp hướng dẫn tạo ra protein FRAS1 và FREM2 tham gia vào cấu trúc của phức hợp FRAS/FREM. Gen GRIP1 sản xuất protein GRIP1 giữ chức năng vận chuyển protein FRAS1 và FREM2 đến đúng vị trí trong tế bào để tạo thành phức hợp FRAS/FREM.
Phức hợp FRAS/FREM hiện diện trong màng đáy - cấu trúc mỏng, giống như tấm ngăn cách các tế bào. Chúng neo giữ lớp da trên cùng bằng cách kết nối màng đáy của nó với lớp da bên dưới. Quá trình này quan trọng trong giai đoạn phát triển trước khi sinh.
Đột biến tại bất kỳ gen nào liên quan đến hội chứng Fraser ngăn chặn quá trình hình thành phức hợp FRAS/FREM. Thiếu phức hợp này trong màng đáy của da dẫn đến bong lớp trên cùng của da rồi hình thành mụn nước. Bất thường này làm suy yếu một số cấu trúc trước khi sinh, từ đó hình thành dị tật đường mí mắt và dính ngón tay bẩm sinh.
Chẩn đoán
Trước sinh
Hội chứng Fraser có thể được chẩn đoán trước khi sinh bằng siêu âm tại tuần thai thứ 18.
Thai nhi nghi ngờ mắc bệnh khi có một trong các dấu hiệu sau:
- Mắt nhỏ
- Dính khớp
- Phổi tăng âm to
- Thiểu ối
Sau sinh
Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh cho trẻ ngay sau sinh dựa vào các biểu hiện lâm sàng. Trẻ nghi ngờ mắc bệnh được chỉ định xét nghiệm di truyền nhằm xác định đột biến gen liên quan.
Điều trị
Hiện nay chưa có phương pháp điều trị hoàn toàn hội chứng Fraser. Một số dị tật được phẫu thuật điều chỉnh tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Các phương pháp điều trị khác nhằm giảm nhẹ triệu chứng.
Dạng di truyền
Bệnh di truyền theo kiểu lặn trên nhiễm sắc thể thường. Do đó, bệnh chỉ biểu hiện khi có cả hai bản sao của gen đột biến trong mỗi tế bào. Bệnh nhân mắc bệnh lặn trên nhiễm sắc thể thường sẽ có bố và mẹ mang một bản sao của gen đột biến, nhưng bố mẹ ít khi biểu hiện triệu chứng bệnh.

Nguồn: U.S. National Library of Medicine
Phòng ngừa
Hội chứng Fraser di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường, cha mẹ mang đột biến dị hợp nên gần như không có biểu hiện bệnh, do đó rất khó phát hiện cho đến khi sinh con. Để chủ động phòng ngừa, cha mẹ nên làm xét nghiệm sàng lọc gen lặn để chủ động cho tương lai của con.
Các thành viên trong gia đình nên khám sức khỏe và tầm soát bệnh định kỳ nếu có thành viên mắc bệnh. Các cặp vợ chồng trước khi mang thai cần tư vấn và xét nghiệm di truyền đảm bảo sinh con khỏe mạnh.
Các tên gọi khác
- Cryptophthalmos syndactyly syndrome
- Cryptophthalmos syndrome
- Cryptophthalmos with other malformations
- Fraser's syndrome
- FS
- Fraser-Francois syndrome
- Meyer-Schwickerath syndrome
- Ullrich-Feichtiger syndrome
References
- Genetic Testing Information. Fraser syndrome 1. Retrieved December 28, 2022 from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/gtr/conditions/C4551480/
- Genetic and Rare Diseases Information Center. Fraser syndrome. Retrieved December 28, 2022 from https://rarediseases.info.nih.gov/diseases/6465/fraser-syndrome/
- Catalog of Genes and Diseases from OMIM. FRASER SYNDROME 1. Retrieved December 28, 2022 from https://omim.org/entry/219000
- U.S National Library of Medicine. Fraser syndrome. Retrieved December 28, 2022 from https://medlineplus.gov/genetics/condition/fraser-syndrome/
- National Organization for Rare Disorders. Fraser syndrome. Retrieved December 28, 2022 from https://rarediseases.org/rare-diseases/fraser-syndrome/
- Orphanet. Fraser syndrome. Retrieved December 28, 2022 from https://www.orpha.net/consor/cgi-bin/OC_Exp.php?Lng=GB&Expert=2052
- MalaCards. Fraser Syndrome 1 (FRASRS1). Retrieved December 28, 2022 from https://www.malacards.org/card/fraser_syndrome_1
- Petrou P, Makrygiannis AK, Chalepakis G. The Fras1/Frem family of extracellular matrix proteins: structure, function, and association with Fraser syndrome and the mouse bleb phenotype. Connect Tissue Res. 2008;49(3):277-82. doi: 10.1080/03008200802148025
- Slavotinek AM, Tifft CJ. Fraser syndrome and cryptophthalmos: review of the diagnostic criteria and evidence for phenotypic modules in complex malformation syndromes. J Med Genet. 2002 Sep;39(9):623-33. doi: 10.1136/jmg.39.9.623
- van Haelst MM, Scambler PJ; Fraser Syndrome Collaboration Group, Hennekam RC. Fraser syndrome: a clinical study of 59 cases and evaluation of diagnostic criteria. Am J Med Genet A. 2007 Dec 15;143A(24):3194-203. doi: 10.1002/ajmg.a.31951